Ghi nhận ngày 4-10, hầu hết các chợ trung tâm TP Đà Nẵng như chợ Cồn, chợ Đống Đa,…đều rơi vào tình trạng ế ẩm. Dù là sáng sớm hay gần trưa, lượng khách vào chợ vẫn rất thưa thớt, sức mua đìu hiu, tiểu thương mỏi mòn đợi khách.
Theo bà Trang Thị Nguyệt (tiểu thương hàng thịt heo tại chợ Cồn), ngày thường bà bán được gần 2 con heo, nhưng hiện tại đến nửa con cũng không bán nổi. Vì các quy định phòng dịch, bạn hàng không được vào chợ lấy thịt, dù giá cả có phần giảm hơn so với thời gian dịch phức tạp. Vắng khách, bà Nguyệt ngồi một chút rồi cùng chồng dọn hàng. Chiều nay bà Nguyệt nghỉ bán.
Theo bà Nguyễn Thị Cân (tiểu thương hàng gia cầm tại chợ Cồn), chợ truyền thống ế khách do bị "chợ cóc" bao vây. Người dân mua mọi thứ ngoài đường mà không vào chợ vì thủ tục rắc rối. "Để phòng dịch, thành phố hạn chế người dân vào chợ nhưng ở ngoài thì "chợ cóc" bán rầm rộ. Nếu xuất hiện lây nhiễm, thì 100% không thể truy vết nếu người dân đi chợ cóc" – bà Cân bức xúc.
Sức mua tại các chợ giảm sâu. Nhiều tiểu thương cho biết chỉ còn chưa đến 30% so với ngày thường
Bà Nguyễn Thị Cân với gian hàng đầy thịt gà, vịt. Hôm nay bà chỉ nhập về 5 con vịt, nhưng đến quá trưa vẫn chưa bán được con nào
Quầy hải sản vắng bóng khách mua, dù giá cả đã ổn định
Nhiều tiểu thương cho biết, vì giới hạn tần suất đi chợ 3 ngày/lần nên nhiều người dân đã chọn việc mua hàng tại "chợ cóc" thay vì khai báo y tế, trình giấy tờ để vào chợ
Vì thiếu giấy tờ, nhiều bạn hàng không vào chợ như thường lệ, tiểu thương mỏi mắt đợi khách
Quầy rau hành vắng bóng khách. Bà Huỳnh Thị Hương lo sốt vó vì ngày mai sẽ phải nghỉ bán theo lịch bố trí giãn cách tại chợ Cồn
Đồng cảnh với tiểu thương chợ Cồn, hàng loạt tiểu thương tại chợ Đống Đa (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cũng ngán ngẩm, ngồi đuổi ruồi. Hơn 2 tháng mới mở lại quầy hàng, bà Lê Huyền (tiểu thương hàng hương đèn chợ Đống Đa) không lường đến tình trạng ế khách đến như vậy
Theo bà Huyền, gần đến ngày mùng 1 nhưng cả buổi sáng quầy hương đèn không có nổi một khách đến mua. Hương đèn là hàng không thiết yếu phải đóng cửa từ ngày 22-7. Thời gian dài đóng cửa, hàng hóa hư hao, khách mua không có, bà Huyền mong các cấp giảm tiền thuế, tiền mặt bằng cho tiểu thương.
Bà Lê Huyền bần thần ngồi đợi khách, dù gần đến ngày mùng 1 Âm lịch, quầy hương đèn của bà Huyền vẫn không có khách mua
Tiểu thương chợ Đống Đa xem phim giết thời gian vì vắng khách
Quầy hàng quần áo tại chợ Đống Đa được mở cửa trở lại sau hơn 2 tháng đóng cửa
Nhiều tiểu thương cho biết mình mở quầy để "được ngày" hoặc mở bán để giảm stress, không mong đợi nhiều vì sức mua gần như không có
Theo ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng, trong thời gian các chợ Đà Nẵng đóng cửa phòng dịch, nhiều hộ dân đã nhập thực phẩm, hàng hóa về bày bán tại vỉa hè tạo nên tình trạng chợ cóc tràn lan. Công ty đã đề xuất với Sở Công thương, UBND TP Đà Nẵng giải quyết tình trạng "chợ cóc" gây mất an toàn phòng dịch như hiện nay.
"Công ty cũng có đề xuất nâng tần suất đi chợ của người dân từ 3 ngày/lần lên 1-2 ngày/lần tùy theo tình hình dịch bệnh để tạo thuận lợi cho người dân, từng bước đưa các chợ truyền thống hoạt động ổn định trong trạng thái bình thường mới" – ông Tẩu nói.