Chiều tối 22/10, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch đang hoạt động trên địa bàn Quảng Ninh nhận được văn bản xin ý kiến cho dự thảo đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Theo văn bản gửi đến đơn vị lữ hành, dịch vụ du lịch, ban quản lý đề nghị các bên tham gia ý kiến bằng cách ghi rõ nhất trí, không nhất trí hoặc ý kiến khác. Ban quản lý tiếp nhận ý kiến chậm nhất tới 16h30 ngày 25/10. Điều này có nghĩa các đơn vị có 3 ngày để suy nghĩ và gửi lại câu trả lời. Nhiều bên cho rằng thời gian suy nghĩ quá ngắn, thậm chí không nhận được thông báo để trả lời.
Yêu cầu trả lời quá gấp khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc. |
"Họ ghi gửi đến các công ty lữ hành mà nhiều bên không nhận được. Chúng tôi chỉ lấy thông tin từ bên kinh doanh tàu du lịch", ông Lê Văn Lên, đại diện Lạc Việt Travel lên tiếng.
Cũng chịu chung tình trạng này, ông Thức, chủ đơn vị kinh doanh du thuyền tham quan vịnh Hạ Long, bất bình với cách làm từ ban quản lý.
"Chúng tôi không nhận được thông báo, chỉ người này truyền tay người kia. Thời gian để các bên trả lời cũng quá ngắn. Ngày 22 đưa ra thông báo, ngày 23 phát đi, tới ngày 24 nhiều đơn vị mới nhận được. Tuy nhiên, họ yêu cầu ngày 25 phải phản hồi lại. Cách làm như vậy là không chấp nhận được. Thời gian quá gấp mà ghi không trả lời tức là đồng ý. Làm vậy không khác gì bắt ép chúng tôi cả", ông Thức chia sẻ quan điểm.
Một vấn đề khiến các đơn vị lữ hành chao đảo lúc này là hợp đồng với các đối tác. Nhiều doanh nghiệp lo sợ doanh thu giảm mạnh vì lượng khách ít đi. Đồng thời, họ cũng phải đền bù các hợp đồng đã ký với khách hàng của mình.
"Hiện tại, giá vé tham quan vịnh Hạ Long đã quá cao. Lượng khách vốn đã giảm, giờ tăng lên tôi sợ không còn khách nữa. Chúng tôi đã báo giá cho nhiều đối tác từ trước, việc thay đổi quá khó để chấp nhận. Công ty có thể phải chịu số tiền bù lỗ quá lớn. Nếu giữ nguyên tình trạng này, khó khăn chồng khó khăn, nhiều công ty có khi phải phá sản", đại diện Khánh Sinh Travel trả lời.
Trong khi đó, đại diện Lạc Việt Travel chia sẻ công ty đã báo giá đến năm 2021, nhận hàng nghìn khách nên chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Theo ông Lên, công ty có thể lỗ tới 2-3 tỷ đồng vì không thể bắt khách chịu khi đã ký hợp đồng. "Khách chưa đặt còn có cơ hội sửa. Họ đặt rồi phải chịu thôi. Giống như khi bạn mua hàng rồi trả tiền xong sao đòi thêm được?".
|
Nhiều doanh nghiệp lo sợ trước thông tin tăng phí tham quan vịnh Hạ Long. |
Khi được hỏi, nhiều đơn vị cho biết việc tăng giá tham quan sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Một số doanh nghiệp khẳng định chất lượng cơ sở không thay đổi nhiều nhưng giá lại tăng chóng mặt. "Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tiêu cực của khách về chất lượng cơ sở vật chất cũng như vấn đề môi trường ở Tuần Châu. Việc tăng giá thế này là không thể chấp nhận", đại diện đơn vị lữ hành tại Hà Nội trả lời.
Theo đề án, 5 tuyến tham quan ban ngày có mức tăng trung bình 22% so với năm 2019 (tăng khoảng 50.000 đồng). Đáng lưu ý, 6 tuyến tham quan nghỉ đêm trên vịnh tăng từ gấp rưỡi đến gần gấp đôi.
Cụ thể, du khách tham quan tuyến 2 và lưu trú 1 đêm tăng từ 550.000 đồng/người mỗi đêm lên 950.000 đồng; tuyến 2 và lưu trú 2 đêm tăng từ 750.000 đồng/người mỗi đêm lên 1,2 triệu đồng; tuyến 3 lưu trú 1 đêm và tuyến 4 lưu trú 1 đêm, tăng từ 500.000 đồng/người mỗi đêm lên 800.000 đồng; tuyến 3 lưu trú 2 đêm và tuyến 4 lưu trú 2 đêm, tăng từ 650.000 đồng/người mỗi đêm lên 1,05 triệu đồng.
Trước đó, vào cuối năm 2018, ban quản lý vịnh Hạ Long đã điều chỉnh và tăng phí từ 20% đến 85% đối với các tuyến, tour du lịch trên vịnh Hạ Long. Lý do cả 2 lần tăng phí được ban quản lý vịnh Hạ Long đưa ra nhằm đa dạng hóa các loại hình, dịch vụ du lịch đồng thời xây dựng phương án giãn tuyến, phân tải khách du lịch tại các tuyến điểm du lịch trên vịnh Hạ Long.