CEO TNI King Coffee Lê Hoàng Diệp Thảo và tham vọng muốn đưa Việt Nam thành thị trường cà phê số 1 thế giới

Thứ Hai, 08/02/2021 08:00
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng chỉ khi có được sức mạnh nội lực, vững chãi trên thị trường nội địa, cà phê Việt Nam mới có cơ hội để được đối xử bình đẳng, được tôn trọng, được trả giá đúng với giá trị mà người nông dân và các nhà sản xuất Việt Nam đã bỏ ra.

Thưa bà, bà có thể chia sẻ về quá trình của mình trong suốt 25 năm kể từ khi bước chân vào ngành cà phê?

Tôi có 25 năm kinh nghiệm trong ngành cà phê, trong suốt thời gian đó tôi tập trung tất cả những gì có thể để có thể đưa thương hiệu của mình từ số 0 lên thành số 1 đối với Trung Nguyên, tiếp theo là G7 và 5 năm gần đây thì tôi đã phát triển King Coffee.

Tôi bắt đầu từ việc đưa King Coffee tung ra thị trường Mỹ trước tiên vào tháng 10/2016 sau đó mới đưa về Việt Nam từ tháng 7/2017.

Tính tới thời điểm này nhìn lại, tôi nghĩ rằng đó là một hành trình vô cùng gian nan, vất vả. Nhưng những vất vả, gian nan đó không làm tôi chùn bước.

Vậy chiến lược sắp tới của bà để đưa thương hiệu King Coffee ra toàn thế giới?

Dựa theo tập tục, văn hóa cũng như cách tiêu dùng cà phê của từng vùng, chúng tôi chia thị trường thế giới thành 7 vùng khác nhau.

Một là Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng thị trường nội địa vô cùng quan trọng, mình làm gì thì làm thì ngay chính sân nhà của mình phải làm thật sự tốt nhất.

Vùng thứ 2 là Trung Quốc và các khu vực lân cận với quốc gia này. Ở đó có thị trường với hơn 1,6 tỷ dân và là thị trường hết sức hấp dẫn. Trong hơn 4 năm qua, chúng tôi chinh phục thị trường Trung Quốc một cách hết sức bài bản. Chúng tôi thiết lập hệ thống bán hàng chuẩn mực, xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp quốc gia này. Hiện sản phẩm của TNI King Coffee đã được bày bán trên trang Alibaba và là một trong những sản phẩm cà phê bán chạy nhất trên nền tảng thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc.

Thứ ba là vùng American và các nước Châu Mỹ La Tinh, chúng tôi cũng đã lập văn phòng ngay tại nước Mỹ và đồng thời sẽ phân phối bán hàng cho cả vùng.

Kế đó là thị trường các nước Ả Rập. Tại thị trường này, cách thức kinh doanh cũng như tiêu thụ cà phê cũng khác so với các vùng còn lại. Cho nên chúng tôi nghiên cứu từ những tập tục, văn hóa, cách thức người ta phân phối, tiêu thụ và sử dụng cà phê. Tại thị trường này hiện tại chúng tôi cũng có một văn phòng ở Dubai để phân phối và phát triển thương hiệu của mình.

Chân dung bà Lê Hoàng Diệp Thảo, doanh nhân tuổi Sửu muốn đứa Việt Nam thành cường quốc cà phê số 1 thế giới. Ảnh: NVCC

Tiếp đến là thị trường Nga, ban đầu chúng tôi sẽ cố gắng khai thác thị trường này cho thật tốt và lấy đó là sức bật để vươn ra thị trường Đông Âu và toàn thể Châu Âu. Điều đáng mừng là trong năm vừa qua, chúng tôi đã đi đúng hướng, bằng chứng cho việc đó là doanh thu của chúng tôi ở thị trường này tăng trưởng 350% so với năm 2019.

Ngoài ra chúng tôi vẫn đang tìm hiểu và sẽ có chiến lược chinh phục các thị trường khác trong tương lai.

Trong 7 thị trường mà bà vừa chia sẻ, thị trường nội địa được TNI King Coffee đặt trọng tâm. Tại sao lại là thị trường Việt Nam và trong thời gian vừa qua TNI King Coffee đã có những hoạt động gì để chinh phục thị trường trong nước?

Khi đã chinh phục được những tiêu chuẩn khắc khe nhất từ những thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc… King Coffee sẽ trở về Việt Nam như trở về nhà, với mẹ. Và tôi tin đất mẹ sẽ đón nhận King Coffee với tất cả sự yêu thương, hào sảng và nhiệt tình nhất. Tôi cũng muốn người Việt có cơ hội được thưởng thức cà phê với chất lượng quốc tế với giá hợp lý, thay vì uống cà phê rang, cà phê bắp trôi nổi trên thị trường.

Chúng tôi đã triển khai chương trình Women can do, mục tiêu là đạt được con số 100.000 phụ nữ khởi nghiệp bằng sản phẩm cà phê của TNI King Coffee. Điều may mắn là chương trình này rất được các chị em phụ nữ hưởng ứng. Chúng tôi lựa chọn phụ nữ làm đối tượng cho chương trình này mục đích là để hỗ trợ chị em khởi nghiệp.

Trọng tâm của dự án Women Can Do mang đến một giải pháp toàn diện kết hợp từ kiến thức kinh doanh nền tảng và công nghệ 4.0 cho những người phụ nữ thời hiện đại, khơi gợi cảm hứng khởi nghiệp cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, đây chính là cơ hội để chị em phụ nữ có thể chủ động kinh doanh, có thêm chi phí trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.

Nếu chương trình này thành công tại Việt Nam, chúng tôi sẽ mang chương trình này đến các nước khác như Myanmar, Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc…trong thời gian tới.

Được biết, bà đang có tham vọng góp phần đưa Việt Nam thành cường quốc cà phê số 1 thế giới. Bà có thể chia sẻ ý định của mình về vấn đề này?

Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để bứt phá và vươn mình thành cường quốc số 1 về cà phê. Nếu chúng ta nâng cao giá trị ngành cà phê Việt Nam, chúng ta sẽ có cơ hội đạt được 2 thành tựu quan trọng.

Thứ nhất là giúp cho 10% sản lượng cà phê nhân xuất khẩu thành cà phê thành phẩm xuất khẩu có giá trị cao. Thứ hai là gia tăng tiêu thụ cà phê ở thị trường nội địa từ 1.68 kg/người (năm 2019) lên 3 kg/người (năm 2023).

Và chỉ khi có được sức mạnh nội lực, vững chãi trên thị trường nội địa, cà phê Việt Nam mới có cơ hội để được đối xử bình đẳng, được tôn trọng, được trả giá đúng với giá trị mà người nông dân và các nhà sản xuất Việt Nam đã bỏ ra, góp phần tạo dựng nên thương hiệu chung cho ngành cà phê Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!

Theo TGTT

Tin khác