Cầu Vàm Cống dài 2,97 km bắc qua sông Hậu, kết nối quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) với huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Cầu được khởi công vào tháng 9/2013 và hoàn thành vào tháng 5/2019.
Do được xây dựng trên tuyến đường thủy quốc tế từ cửa Định An đến Campuchia nên cầu Vàm Cống được làm theo kết cấu dây văng. Giữa cầu có nhịp thông thuyền rộng tới 450 m, cao 37,5 m, đủ cho tàu 10.000 tấn chạy qua.
Với nền đất yếu của đồng bằng sông Cửu Long, cầu Vàm Cống được thiết kế hệ cọc khoan nhồi lớn nhất và sâu nhất Việt Nam với đường kính 2,5 m và sâu đến 116 m.
Chia sẻ trên Tuổi trẻ, ông Nguyễn Ngọc Thắng - giám đốc dự án cầu Vàm Cống (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, nhà thầu thi công) cho biết trụ tháp cầu Vàm Cống cao 150 m và là trụ cầu cao nhất cả nước. Trong những ngày nhiều mây, người đi dưới cầu khó lòng nhìn thấy đỉnh trụ.
Cầu rộng 24,5m bao gồm 4 làn xe ô tô và 2 làn xe thô sơ. Đường dẫn vào cầu rộng 20,6m. Tốc độ thiết kế 80 km/h.
Cầu Vàm Cống có 144 bó cáp dây văng. Chiều dài toàn bộ dự án là 5,75 km.
Đây là cây cầu có vị trí chiến lược nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối từ thành phố Hồ Chí Minh qua Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang xuống Cà Mau.
Tổng vốn đầu tư dự án là 271 triệu USD (tương đương 5.700 tỷ đồng) và là cây cầu đã hoàn thành có tổng mức đầu tư cao nhất miền Tây. Trong đó, vốn vay ODA của Hàn Quốc là 212 triệu USD, phần còn lại vốn đối ứng của Việt Nam. Cầu do tổng thầu Hàn Quốc xây dựng.