|
Trung Quốc (80.793 ca nhiễm - 3.169 người tử vong): Trung Quốc thực hiện kiểm dịch 14 ngày với người đến từ nước ngoài, hạn chế nghiêm ngặt nhất với người đến từ Italy, Iran, Hàn Quốc và Nhật Bản. Toàn thành phố Vũ Hán và khu vực lân cận bị phong tỏa trong hơn 1 tháng, hạn chế đi lại được áp đặt đối với nhiều tỉnh, ảnh hưởng đến 930 triệu người. Các biện pháp gồm kiểm tra giấy phép di chuyển, kiểm tra nhiệt độ cơ thể mọi người khi đến nơi công cộng, khử trùng phương tiện, giao thức ăn và chỉ cho phép một người trong mỗi hộ gia đình rời khỏi nhà. Ảnh: AFP. |
Hàn Quốc (7.869 ca nhiễm - 67 người tử vong): Số ca bệnh mới đang có xu hướng giảm. Thay vì phong tỏa cục bộ, Hàn Quốc tập trung kiểm tra số lượng lớn người dân để xác định "điểm nóng" dịch bệnh. Họ khuyến khích người dân hạn chế tụ tập, trong khi quân đội khử trùng đường phố. Chính phủ cũng trợ cấp các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ thay đổi giờ làm việc linh hoạt cho nhân viên đón con sau giờ làm. Ảnh: AP. |
Nhật Bản (639 ca nhiễm - 16 người tử vong): Ngày 9/3, Nhật Bản đưa ra các biện pháp kiểm soát biên giới cứng rắn hơn, về cơ bản cấm du khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc đến cuối tháng. Các hạn chế tương tự chưa áp dụng với khách đến từ Italy. Bộ trưởng Y tế cho biết dịch bệnh ở Nhật Bản đang bước vào giai đoạn mới. Nếu được tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Shinzo Abe có thể đưa ra lệnh bắt buộc đóng cửa trường học trên toàn quốc và tịch thu tài sản tư nhân để xây dựng bệnh viện trong trường hợp thiếu giường bệnh… Ảnh: Getty Images. |
Mỹ (1.312 ca nhiễm - 38 người tử vong): Ngày 11/3, Tổng thống Donald Trump tuyên bố cấm tất cả chuyến bay từ châu Âu (ngoại trừ Anh và Ireland). Ở cấp tiểu bang ở Mỹ, Thống đốc bang California yêu cầu các cuộc tụ họp nên hoãn lại hoặc hủy bỏ ít nhất cho đến cuối tháng 3. Các tiểu bang khác cũng tương tự. Ngày càng nhiều trường cao đẳng và đại học trên khắp nước Mỹ hủy các lớp học. Lễ hội âm nhạc Coachella tại sa mạc California hoãn đến tháng 10. Ảnh: The Good Men Project. |
Italy (15.113 ca nhiễm - 1.016 người tử vong): Italy quyết định phong tỏa quy mô toàn quốc từ ngày 9/3, quy định phạt tiền với những người phá vỡ lệnh giới nghiêm. Các trường học, quán cà phê, tiệm làm tóc, nhà hàng... đều phải đóng cửa. 60 triệu cư dân được yêu cầu ở tại nhà. Tất cả sự kiện thể thao trong nước bị đình chỉ cho đến ngày 3/4. Ảnh: EPA. |
Iran (9.000 ca nhiễm - 429 trường hợp tử vong): Iran hiện là quốc gia có số lượng ca nhiễm Codiv-19 lớn nhất Trung Đông và thứ 3 trên toàn thế giới, sau Trung Quốc và Italy. Các cuộc tụ tập đông người, bao gồm lễ cầu nguyện vào thứ 13/3 ở Tehran và các thành phố lớn khác, bị hủy bỏ. Trường học đóng cửa, nhiều đội dọn dẹp khử trùng xe lửa, xe buýt và nơi công cộng. Các nhà chức trách tạm thời thả khoảng 70.000 tù nhân để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh. Những người được thả không bao gồm tù nhân chính trị. Ảnh: EPA. |
Tây Ban Nha (2.968 trường hợp - 84 người tử vong): Ở các khu vực có nhiều ca nhiễm nhất là Madrid, Basque Country và La Rioja, tất cả trường học, trường đại học và trung tâm giữ trẻ phải đóng cửa trong 2 tuần, các cuộc tụ họp lớn cũng bị hủy bỏ. Những chuyến bay giữa Tây Ban Nha và Italy bị đình chỉ. Tất cả trận đấu bóng đá La Liga cũng bị hủy trong 2 tuần. Ảnh: AFP. |
Pháp (2.284 trường hợp - 48 người tử vong): Pháp công bố lệnh cấm toàn quốc đối với các cuộc tụ họp của hơn 1.000 người. Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố đóng cửa tất cả trường học và đại học từ 9/3. Chính phủ trưng dụng tất cả khẩu trang phẫu thuật của đất nước để phân phối cho những người cần và giới hạn giá thuốc khử trùng tay. Paris Marathon bị hoãn lại cho đến tháng 10. Ảnh: EPA. |