Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn trước Quốc hội

Thứ Tư, 05/06/2019 00:00
Chiều 5/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về lĩnh vực VHTTDL.

Nhóm nội dung vấn đề Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL gồm có: công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý điện ảnh, quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm. Công tác phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh. Công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thời gian qua, ngành đã đạt được một số kết quả trên một số lĩnh vực: văn hóa, đạo đức lối sống liên quan đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc… Trong lĩnh vực thể thao cũng đạt nhiều kết quả cao trong khu vực và quốc tế. 3 năm vừa qua, ngành du lịch tăng gần gấp đôi lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Cơ bản trong năm nay sẽ hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đặt ra là sẽ phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.  

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn trước Quốc hội (ảnh: báo Tổ quốc)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn trước Quốc hội (ảnh: báo Tổ quốc)

Ngành VHTTDL khá rộng, từ văn hóa, con người nền tảng tinh thần của xã hội, nên ngành sẽ có nhiều vấn đề. Khẳng định điều này, Bộ trưởng cho biết, báo cáo gửi đến Quốc hội cũng đã nêu đầy đủ các mặt của các lĩnh vực mà Quốc hội sẽ chất vấn tại diễn đàn này. Với tinh thần nghiêm túc và cầu thị, Bộ VHTTDL xin được lắng nghe và xin được cố gắng trả lời một cách tốt nhất trong khả năng của mình các vấn đề mà ĐBQH đặt ra hôm nay.

Là người đặt câu hỏi chất vấn đầu tiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội nêu vấn đề: trả lời các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội quan tâm hơn nữa để bảo đảm hàng năm cho văn hóa không thấp hơn 1% chi ngân sách. Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề nghị Chính phủ và Bộ cho biết, có kế hoạch cụ thể nào để thực hiện nhiệm vụ này chưa? Bên cạnh đó, diễn đàn Kinh tế đã xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam là 30/136 về văn hóa, 34 về thiên nhiên, 37 về nhân lực, nhưng tổng thể năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam chỉ đứng thứ 67/136 nền kinh tế, đại biểu yêu cầu làm rõ đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Giải pháp nào để sớm cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam, khi mà thứ hạng của các nước xung quanh đều cao? Du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh. Bộ trưởng cho biết, vì sao tăng trưởng 30% trong năm 2016 và 2017, nhưng 3 tháng đầu năm nay, khách thế giới đến Việt Nam lại tăng chững lại 8,7%?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, một vấn đề liên quan đến phát triển du lịch bền vững, tức là phát triển du lịch cũng như phát triển ngành kinh tế khác, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và không phá vỡ di sản văn hóa - đây là vấn đề lớn trong mối quan hệ bảo tồn phát triển của các nước trên thế giới.

Thời gian qua, chúng ta xây dựng những nhà máy, khu du lịch thì có nơi này, nơi khác cũng ảnh hưởng đến bảo tồn. Câu hỏi của ĐB đặt ra là hết sức lưu ý. Trích dẫn câu nói của Thủ tướng liên quan đến công tác bảo tồn văn hóa là tất cả mọi cái đều xây dựng được, làm được, nhưng di sản thì không làm lại được, Bộ trưởng khẳng định, “không thể hy sinh di sản được, phát triển kinh tế phải chú trọng bảo tồn di sản”. Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua, trong quy hoạch, bảo tồn phát triển đang bị coi nhẹ. Khi phát triển có trường hợp không quan tâm đến bảo tồn, không quan tâm đến các nhà chuyên môn, chuyên gia bảo tồn, cho nên phá vỡ toàn bộ, hoặc làm rất tốt rồi nhưng thi công không ai giám sát.

Liên quan đến việc xử lý các công ty lữ hành đưa khách du lịch Đài Loan (Trung Quốc) nhưng bỏ trốn mà đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Giao- Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, đúng là việc đưa người du lịch đi Đài Loan bỏ trốn cần phải lên án và xử lý. Qua vụ việc này, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương do công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa tốt. Ở đây có sự vi phạm, lừa đảo của các doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, bài học rút ra là khi cấp phép cho doanh nghiệp lữ hành phải quan tâm hơn. Khi cấp phép thành lập doanh nghiệp thoáng nhưng thoáng thì hậu kiểm, quản lý như thế nào, có tiêu chí gì. Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đã tăng cường cấp phép, tăng cường thanh tra kiểm tra công ty du lịch, lữ hành. Đồng thời, tuyên truyền giáo dục xử lý vi phạm đối với các công ty du lịch. Bên cạnh đó, khách du lịch cũng phải lưu ý nên chọn công ty lữ hành có uy tín năng lực, không nên nghe lời nói của các công ty lữ hành có lời nói ngon ngọt lừa đảo.

Về chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang về vấn đề thương mại hóa công trình tâm linh, gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, việc thương mại hóa công trình tâm linh, lợi dụng công trình tâm linh để kinh doanh, thu lợi là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải lên án và xử lý theo quy định.

Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, quản lý về tôn giáo, chùa thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Đối với khía cạnh quản lý văn hóa, Bộ trưởng khẳng định chưa nhận được thông tin quan chức quyên góp để xây dựng chùa. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị đại biểu Quốc hội có thông tin gì thì cung cấp cho Quốc hội, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý theo quy định pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, nếu ĐBQH có thông tin chính xác về những công trình tâm linh được góp vốn từ nhiều cá nhân để xây dựng thì cung cấp cho Quốc hội để tiến hành giám sát.

Sáng 6/6/2019, Quốc hội tiếp tục chất vấn về nội dung này./.

Theo Quochoi.vn

Tin khác