Gần đây, dù giá xăng đang giảm mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn chưa hết lo lắng khi một số mặt hàng hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trao đổi với Báo điện tử về vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) phân tích việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá cả hàng hóa, nhất là hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng dầu làm đầu vào chính trong sản xuất.
Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định của Luật Giá, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý, điều tiết sự vận động của giá cả thị trường thông qua phương thức gián tiếp là chủ yếu. Nhà nước chỉ còn định giá trực tiếp một số ít hàng hóa dịch vụ độc quyền, tài nguyên quan trọng, hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.
Đại diện Cục Quản lý giá cho biết hiện giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu có biến động tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ...
Theo số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố, CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. Trong đó một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có biến động tăng như: Giá thịt lợn và một số loại thịt gia cầm tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao; giá thủy hải sản tươi sống tăng do giá nhiên liệu tăng; giá trứng các loại tăng do đang vào mùa sản xuất bánh Trung thu; giá dịch vụ vận tải tăng do vào mùa cao điểm du lịch...
Lãnh đạo Cục Quản lý giá cho rằng để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã phối hợp với Bộ KH&ĐT, NHNN và và các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả năm cũng như thường xuyên cập nhật theo sát tình hình thực tế báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát.
Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, qua đó góp phần ổn định mặt bằng giá cả, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
7 tháng đầu năm 2022, trong các chính sách kinh tế vĩ mô đã được triển khai thì các chính sách về thuế đã được ban hành kịp thời, như: giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường 2 đợt đối với xăng dầu trong đó lần 1 từ ngày 1/4/2022 và lần 2 giảm về kịch khung thuế từ ngày 11/7/2022.
Những chính sách đó đã giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá từ biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt… có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ. Đây cũng là thách thức với công tác quản lý điều hành giá.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong những tháng còn lại của năm 2022, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá năm 2022 và các văn bản liên quan, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, chú trọng tập trung vào những biện pháp đồng bộ.
Đặc biệt, Bộ Tài chính tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến CPI và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Trong đó đặc biệt chú ý tới việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ theo sát tình hình chung, tham mưu chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Bộ Tài chính, với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ phối hợp các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
Lãnh đạo Cục Quản lý giá cho hay đối với việc quản lý giá các mặt hàng cụ thể (nhất là các mặt hàng đang có biến động như xăng dầu, cước phí vận tải, vật liệu xây dựng, vật tư và sản phẩm nông nghiệp, giá dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục, y tế), các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật Giá cần đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trước mắt cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Với mặt hàng xăng dầu-mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng trong nền kinh tế, chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của một số hàng hóa dịch vụ như vận tải-trong tháng 7/2022, giá xăng dầu có 3 đợt điều chỉnh giảm trong đó kỳ điều hành ngày 11/7 và 21/7 giá giảm mạnh nhưng giá cả nhiều mặt hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng nghịch lý giá cả nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng yếu tố chủ quan là chính.
Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện giá cả xăng dầu trong nước chưa vận hành theo kịp diễn biến thị trường thế giới, thị trường xăng dầu vẫn phụ thuộc vào số ít đầu mối, chưa có sự cạnh tranh đúng nghĩa.
Đánh giá cao về quyết định giảm thuế môi trường để giảm giá xăng dầu của Quốc hội, Chính phủ nhưng chuyên gia Vũ Vinh Phúc cho rằng đây chỉ là giải pháp cấp bách, ngắn hạn và về lâu dài cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn.
Bên cạnh đó, ông Vũ Vinh Phú cũng nêu nghịch lý thị trường hiện nay là hoạt động phân phối không công bằng. Cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều trong khi bản thân nhà sản xuất chưa chắc đã hưởng lãi nhiều còn người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Vì vậy, nếu có giải pháp quản lý hiệu quả hơn thì câu chuyện "té nước theo mưa", hay giá cả hàng hóa "lên nhanh, xuống chậm" sẽ khó chấm dứt.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Nền kinh tế thị trường của Việt Nam có sự quản lý của Nhà nước, do đó, không thể lấy lý do để thị trường quyết định mọi thứ cũng như để các DN phân phối lớn, các siêu thị lớn gây ảnh hưởng không lành mạnh. Các cơ quan quản lý của Nhà nước, trong đó có các đơn vị như quản lý thị trường, cần làm tốt hơn nữa vai trò trọng tài để bảo vệ DN làm ăn chân chính cũng như lợi ích của người tiêu dùng".