Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tỉnh lẻ 'rục rịch' trở lại

Thứ Ba, 19/07/2022 11:38
Du lịch phục hồi mạnh mẽ sau thời gian đại dịch Covid-19 đang tạo điều kiện thuận lợi cho bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương rục rịch trở lại.

Thanh khoản tăng

Trong thời gian qua, du lịch miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, điều này đã tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng khi hàng loạt dự án bị chậm tiến độ, nguồn cung khan hiếm.

Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát ổn định, điều này đã tạo điều kiện cho du lịch các địa phương phục hồi mạnh mẽ. Đây cũng là thời cơ để thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sau hơn 3 năm ảm đạm có điều kiện hồi sinh trở lại. 

 Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tỉnh lẻ rục rịch trở lại - Ảnh 1.

Dự án Regal Ocean Quang Binh có mức thanh khoản khá tốt dù giá bán khá cao so với mặt bằng chung tại địa phương. Ảnh: Ngọc Tân

Tại khu vực bán đảo Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình, dự án Regal Ocean Quang Binh hiện đang được CTCP Đất Xanh Miền Trung đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, quy mô 21 ha với đa dạng loại hình sản phẩm như trung tâm thương mại, căn hộ ở, dãy nhà ở kết hợp kinh doanh, shop villa, nhà liền kề, biệt thự ven hồ... Trong tháng 5 vừa qua, CTCP Đất Xanh Miền Trung mở bán 1 số phân khu mặt tiền đường ven biển và đạt mức thanh khoản khá tốt, mặc dù các sản phẩm đều có giá khá cao so với mặt bằng chung tại địa phương (13 -34 tỷ đồng/căn tuỳ vị trí).

Sát cạnh dự án của Đất Xanh Miền Trung, dự án La Celia City do Tập đoàn Nam Mê Kông làm chủ đầu tư cũng đang được tích cực triển khai xây dựng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng, có quy mô hơn 18ha, với các loại hình biệt thự, boutique hotel, nhà phố liền kề và căn hộ cao cấp. Tại dự án này, cũng trong tháng 4, Tập đoàn Nam Mê Kông đã bán ra thị trường một số sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố liền kề với giá bán từ 16-25 tỷ đồng/căn. Tương dự án Regal Ocean, dự án La Celia cũng có sức thanh khoản tốt, trong đó, lượng khách hàng đầu tư sản phẩm không chỉ trong tỉnh Quảng Bình mà còn từ nhiều tỉnh thành khác.

 Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tỉnh lẻ rục rịch trở lại - Ảnh 2.

Dự án Dolce Penisola hiện nay đã thanh khoản hết các sản phẩm giai đoạn 1 và mở bán tiếp giai đoạn 2. Ảnh: Ngọc Tân

Một dự án khác cũng được giới thiệu ra thị trường vừa qua tại Quảng Bình là Dolce Penisola. Dự án này nằm phía đối diện dự án La Celia City thông qua tuyến đường nối dài cầu Nhật Lệ 2. Dự án do Tập đoàn Onsen Fuji làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng, bao gồm 2 tòa tháp 27 tầng, với các sản phẩm căn hộ khách sạn và shophouse thương mại.

Theo các đại lý bán hàng của dự án cho biết, trong đợt 1, dự án Dolce Penisola được mở bán với giá từ 700-900 triệu đồng/căn. Đến nay, các sản phẩm trong giai đoạn 1 đã được thanh khoản hết và chủ đầu tư bắt đầu mở bán tiếp các sản phẩm trong giai đoạn 2 với mức giá từ 1,2 tỷ đồng/căn.

Nhiều dự án thi công trở lại

Thừa Thiên Huế cũng là địa phương có sự hồi phục mạnh mẽ về du lịch. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng có thể tự tin đẩy mạnh tiến độ.

Theo thống kê, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế có 21 dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp phép, trong đó, có 7 dự án đã hoàn thành và 14 dự án đang triển khai. Các dự án đang triển khai đa phần tập trung khu vực dọc ven biển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (khu vực 2 huyện Phú Lộc, Phú Vang).

Tại khu vực ven biển thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, dự án Khu nghỉ dưỡng Địa Trung Hải do Tập đoàn Vicoland làm chủ đầu tư (tổng mức đầu tư 835 tỷ đồng, quy mô 6,9ha) cũng đã thi công trở lại sau khoảng thời gian tạm ngừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, hiện nay dự án đang dần hoàn thiện và đạt khối lượng khoảng 80% tổng thể.

Một dự án khác tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cũng dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022 là Khu du lịch xanh Lăng Cô do Công ty TNHH Trùng Phương – Lăng Cô làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 797 tỷ đồng, quy mô hơn 8,4ha. Hiện nay nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động dự án vào cuối năm 2022.

Tại dọc ven biển huyện Phú Vang, cả 2 dự án của Tập đoàn BRG cũng đang được thực hiện các hạng mục liên quan. Với dự án Sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ và biệt thự nghỉ dưỡng tại xã Vinh Xuân, tổng mức đầu tư 3.164 tỷ đồng, quy mô 127,6ha, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay dự án đã hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng và thực hiện thủ tục thuê đất để chuẩn bị thi công thực địa. Còn với dự án Khách sạn, Dịch vụ Du lịch, Biệt thự Nghỉ dưỡng và Khu du lịch vui chơi giải trí tổng hợp (xã Vinh Thanh, Vinh Xuân), tổng mức đầu tư 4.168 tỷ đồng, quy mô 110ha, hiện dự án đang thi công với khối lượng ước đạt 30% giá trị công trình.

 Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tỉnh lẻ rục rịch trở lại - Ảnh 3.

Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương được thi công trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định. Ảnh: Ngọc Tân

Tại Quảng Trị, dự án Khu dịch vụ du lịch xã Gio Hải, huyện Gio Linh do Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 4.470 tỷ đồng, quy mô 21,92 cũng đang được xây dựng các hạng mục như nhà phố, biệt thự, khối khách sạn…

Mới đây, tại cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Trị, đại diện Tập đoàn T&T đã đề xuất lãnh đạo tỉnh này hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc đối với phần diện tích 1,52 ha chưa được bàn giao mặt bằng tại dự án. Cụ thể, Tập đoàn T&T đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương điều chỉnh mở rộng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dịch vụ Du lịch Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp hỗ trợ, sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích 1,52ha trong tháng 7/2022 để triển khai thi công đồng bộ toàn dự án.

Ông Trần Ngọc Thái, Phó Tổng giám đốc CTCP Đất Xanh Miền Trung cho rằng, hiện nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên toàn cầu, các đường bay quốc tế đang mở lại, bình thường hóa, ngành du lịch nghỉ dưỡng đang chờ đợi để mang đến một cuộc lột xác về kinh tế cho các địa phương.

"Rất nhiều tỉnh thành miền Trung sở hữu cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời đã tận dụng thành công nguồn lực này để phát triển ngành dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng và các dịch vụ đính kèm như giải trí, mua sắm sang trọng... Các địa phương cần tận dụng xu hướng này để phát triển bất động sản cao cấp phục vụ kinh doanh, nghỉ dưỡng và các ngành nghề liên quan, lấy đây làm cơ hội bứt phá trở thành điểm đến mới của du lịch cả nước. Từ đó lấy đây làm động lực lâu dài để phát triển các trụ cột kinh tế du lịch, công nghiệp - năng lượng tái tạo, nông nghiệp", ông Thái góp ý.

Theo Ngọc Tân (Nhà đầu tư)

Tin khác