Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh (5.368), Bình Dương (3.440), Đồng Nai (759), Long An (594), Tiền Giang (194), Khánh Hòa (112), Kiên Giang (106), Quảng Bình (103), Tây Ninh (85), Đồng Tháp (75), An Giang (70), Nghệ An (57), Đà Nẵng (55), Bình Thuận (53), Hà Nội (59), Cần Thơ (42), Bà Rịa - Vũng Tàu (29), Phú Yên (23), Sóc Trăng (20), Đắk Lắk (20), Quảng Trị (20), Trà Vinh (18), Quảng Ngãi (18), Thừa Thiên Huế (17), Bến Tre (17), Bình Định (15), Sơn La (12), Nam Định (10), Vĩnh Long (7), Cà Mau (6), Ninh Thuận (6), Hậu Giang (5), Gia Lai (4), Lạng Sơn (4), Bạc Liêu (4), Quảng Nam (3), Bắc Ninh (3), Đắk Nông (3), Hà Tĩnh (1) trong đó có 6.759 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.162 ca. Tại TP Hồ Chí Minh giảm 76 ca, Bình Dương giảm 1.090 ca, Đồng Nai tăng 125 ca, Long An tăng 7 ca, Tiền Giang giảm 20 ca. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 473.530 ca nhiễm, đứng thứ 56/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.817 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 469.311 ca, trong đó có 245.948 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên. Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ, Kon Tum, Vĩnh Phúc. 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (226.622), Bình Dương (118.228), Đồng Nai (24.525), Long An (22.638), Tiền Giang (9.846).
Về tình hình điều trị, hôm nay 9.862 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.334 ca, trong đó thở ô xy qua mặt nạ là 4.032 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 1.227 ca; thở máy không xâm lấn là 144 ca; thở máy xâm lấn là 907 ca; ECMO là 24 ca.
Về tình hình tiêm chủng, Bộ Y tế cho biết, trong ngày 31-8 có 230.415 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 20.210.381 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.483.818 liều, tiêm mũi 2 là 2.726.563 liều.
797 ca tử vong do Covid-19
Trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận trong ngày 31-8 là 433 ca tử vong và trong ngày 1-9 là 364 ca tử vong. Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh (658), Bình Dương (78), Long An (14), Đồng Nai (12), Đồng Tháp (10), Tiền Giang (9), Đà Nẵng (4), Khánh Hòa (4), Bình Phước (3), Hà Nội (2), Ninh Thuận (2), Thừa Thiên Huế (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bến Tre (1), Lào Cai (1), Tây Ninh (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Phúc (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.868 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Bộ Y tế tiếp nhận 34 máy thở để phục vụ hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 nặng
Trưa 1-9, GS, TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế thay mặt lãnh đạo Bộ đã tiếp nhận 34 máy thở chức năng cao do Tập đoàn TH và Ngân hàng TMCP Bắc Á trao tặng. Lô hàng này ước tính trị giá khoảng 14 tỷ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận chiếc máy thở tượng trưng cho lô 34 máy từ bà Thái Hương (áo đen) Nhà sáng lập Tập đoàn TH, Ngân hàng TMCP Bắc Á. Ảnh: Nguyễn Nhiên |
Phát biểu tại buổi lễ, GS, TS Nguyễn Thanh Long, thay mặt Bộ Y tế cảm ơn Tập đoàn TH trong thời gian qua đã đồng hành, hỗ trợ ngành y tế trong việc bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Trong đại dịch này, Tập đoàn TH đã có nhiều hoạt động hỗ trợ về dinh dưỡng, đóng góp vào Quỹ vaccine Việt Nam và hôm nay hỗ trợ máy thở chức năng cao cho các đơn vị hồi sức tích cực của Bộ Y tế tại một số địa phương.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết ngay sau khi tiếp nhận 34 máy thở, đại diện Bộ Y tế đã trao 10 máy tới Bệnh viện Việt Đức, 10 máy tới Bệnh viện Bạch Mai, 10 máy tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và 4 máy tới tỉnh Nghệ An.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kêu gọi các nhà khoa học lĩnh vực sức khoẻ đồng hành chống dịch Covid-19
Ngày 1-9, GS, TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có thư kêu gọi các tổ chức, các nhà khoa học trong lĩnh vực sức khỏe tiếp tục đồng hành, chung sức phòng chống dịch Covid-19, quyết tâm cùng cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19.
Trong thư gửi các nhà khoa học các tổ chức, các nhà khoa học trong lĩnh vực sức khỏe, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 ở vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch với các biến chủng virus lây nhiễm nhanh và mạnh hơn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, toàn ngành Y tế đang ra sức cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân phòng, chống dịch nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh, không để bùng phát và lây lan rộng và tiếp tục thực hiện mục tiêu "vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội".
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nhận được nhiều đề xuất khoa học từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành y tế, trong nước và quốc tế với mong muốn được hiến kế, chia sẻ, tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19. Một số đề xuất đã được các hội đồng khoa học, cơ quan chuyên môn xét duyệt đưa vào nghiên cứu; một số kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào hoạt động thực tiễn công tác phòng, chống dịch.
Tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19
Ngày 1-9, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị 09/CT-BYT về tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.
Để tăng cường triển khai nghiêm, triệt để các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, nhất là trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, hạn chế tối đa nảy sinh các nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát, đồng thời rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch từ kỳ nghỉ lễ 30-4 vừa qua, Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm việc bảo đảm phòng ngừa lây nhiễm Covid-19. Tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch tới khám và điều trị. Đồng thời, bảo đảm nhân lực, vật tư, thiết bị y tế, thuốc phục vụ điều trị người bệnh theo các tình huống, diễn biến dịch; có phương án vận chuyển, chuyển tuyến khi cần thiết.
Đặc biệt, tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19, tiếp tục cập nhật, thực hiện các phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tại đây phải bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết để điều trị người bệnh Covid-19, nhất là về nhân lực, giường bệnh, máy thở, oxy y tế, thuốc điều trị...
Đối với các cơ sở y tế dự phòng, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời, triển khai tốt các hoạt động y tế trong khu vực cách ly.
Tại chỉ thị này, Bộ Y tế cũng đề nghị, các tỉnh, thành phố xây dựng phương án phòng, chống dịch, nhất là trong dịp nghỉ lễ 2-9 trên quan điểm quyết liệt triển khai các giải pháp trọng tâm, trong đó xác định thực hiện giãn cách nghiêm là biện pháp cơ bản, quan trọng và quyết định đến công tác kiểm soát dịch bệnh.
Cùng với đó, thực hiện tốt an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; xét nghiệm là then chốt để phát hiện người nhiễm bệnh (F0), từ đó có hình thức quản lý, chăm sóc phù hợp, giảm nguồn lây nhiễm; giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu và vaccine là chiến lược lâu dài.
7 bệnh nhân đầu tiên điều trị tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai được công bố khỏi bệnh
Ngày 1-9, 7 bệnh nhân đầu tiên điều trị tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai được công bố khỏi bệnh.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và GS, TS Nguyễn Quang Tuấn chụp ảnh chung với các bệnh nhân được xuất viện. Ảnh: Văn Đạo |
Phát biểu tại lễ ra viện, GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiêm Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai (gọi tắt là Trung tâm, tại quận 7 TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, những bệnh nhân mắc Covid-19 được chữa khỏi, xuất viện hôm nay là minh chứng sinh động cho thấy dù nguy kịch vẫn được chữa khỏi dưới phác đồ điều trị hiệu quả và các chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế. Các y bác sĩ, chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Bạch Mai cũng như các đơn vị khác chi viện không quản ngày đêm điều trị tốt nhất cho người bệnh. 7 bệnh nhân được ra viện chiều nay còn là thành quả, món quà ý nghĩ nhân dịp Tết độc lập 2-9.
7 bệnh nhân được xuất viện đều chung cảm xúc hạnh phúc như được hồi sinh thêm lần nữa. Những ngày nằm viện, y, bác sĩ và tình nguyện viện chăm sóc như người thân. Anh Phan Quốc Dũng, bệnh nhân trẻ nhất, hồi phục nhanh nhất chia sẻ, tôi không biết nói gì hơn ngoài sự biết ơn các thầy thuốc. Qua đây tôi cũng muốn nhắn nhủ với các bệnh nhân khác đang điều trị, hãy luôn tin tưởng, lạc quan vào ngày chiến thắng dịch bệnh vì ở bên mình luôn có sự túc trực cứu chữa tận tình của các y, bác sĩ và những trang thiết bị y tế hiện đại nhất.
Ngày 1-9, Hà Nội ghi nhận 59 ca mắc Covid-19
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngày 1-9, Hà Nội ghi nhận 59 ca mắc Covid-19, trong đó có 31 khu cách ly, 27 tại khu vực phong tỏa, một ca tại cộng đồng. Như vậy từ ngày 27-4, Hà Nội ghi nhận 3.327 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.548 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.779 ca.
Xử lý nghiêm các đơn vị lợi dụng dịch Covid-19 tăng giá thuốc
Ngày 1-9, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp tích cực, hỗ trợ cho cộng đồng, cung cấp kịp thời thuốc phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân đã kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả; thông tin, quảng cáo thuốc không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng của thuốc; tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19. Các trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm; khi phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, các đơn vị phải kịp thời lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19, Cục Quản lý Dược yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc; tuân thủ đầy đủ các quy định về thông tin, quảng cáo thuốc; thực hiện bình ổn giá các thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.