Du lịch là một trong những ngành đang phục hồi và là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới còn một số vấn đề hạn chế. Cụ thể, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều, số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động chưa cao, nhân lực ngành du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng…
Trong đó, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển chưa thể phục hồi kịp bởi chịu thiệt hại nặng nề, không đủ vốn và năng lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất…
Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ về những khó khăn mà doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch gặp phải, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours cho biết, mặc dù du lịch bùng nổ mạnh mẽ, nhưng doanh nghiệp lữ hành vẫn gặp nhiều khó khăn, kể cả ngắn hạn và dài hạn.
Thứ nhất, về ngắn hạn, trong dịp cao điểm, giá dịch vụ đang biến động lớn, đơn cử như giá vé máy bay, giá phòng khách sạn và một số dịch vụ khác biến động liên tục. Vì vậy, doanh nghiệp rất bị động trong việc xây dựng chính sách giá, cũng như xây dựng các sản phẩm du lịch có thể cạnh tranh.
Thứ hai, thị trường quốc tế vẫn chưa mở được toàn bộ, trong đó có các "thị trường vàng" như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Châu Âu và Mỹ đang bị suy thoái kinh tế, lạm phát nên ảnh hưởng đến nhu cầu chi tiêu của du khách, do đó xu hướng đi du lịch cũng giảm.
Thị trường hàng không cũng tương tự. Năng lực của các hãng hàng không còn hạn chế, rất nhiều chuyến bay chưa mở trở lại. Các đường bay không duy trì tần suất như trước, dẫn đến giá vé cao, đặt vé khó khăn và khó thu xếp được hành trình của du khách.
Về nội tại, theo ông Nguyễn Công Hoan, vừa qua du lịch nội địa "bùng nổ", nhưng nhu cầu này có kéo dài được hay không chưa thể nói trước được. Rất nhiều chuyên gia lo ngại, thị trường nội địa "bùng nổ" dịp hè này, nhưng khi hết hè sẽ lại trầm lắng.
Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours cũng cho biết, nguồn nhân lực du lịch hiện nay cũng chưa phục hồi được. Đa số các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn… đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự. Nhiều nhân sự trước đây làm du lịch giờ đã chuyển sang ngành nghề mới. Nhiều người chưa sẵn sàng quay trở lại vì đã tìm được việc tốt hơn, hoặc lo ngại thị trường du lịch chưa phục hồi toàn bộ. Nguồn nhân lực đào tạo mới trong hai năm qua cũng gặp khó khăn.
Cùng quan điểm với ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, hiện nay thị trường du lịch Việt Nam đã mở cửa và đang từng bước phục hồi, nhưng lượng khách quốc tế vào Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… vẫn chưa được kích hoạt hẳn do các quốc gia này vẫn duy trì các biện pháp chống dịch ở những mức độ khác nhau. Thị trường khách Nga bị đóng băng.
Mặt khác, do ảnh hưởng của COVID-19, thu nhập của người dân bị tác động lớn nên có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu không cần thiết, trong đó có nhu cầu du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, chính sách thị thực của Việt Nam vẫn chưa đủ sức hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Số lượng các quốc gia được Việt Nam miễn vẫn còn rất hạn chế. Du khách đến từ những thị trường xa thường có nhu cầu đi du lịch từ 18-21 ngày, nhưng phần lớn các quốc gia mới chỉ đang được hưởng chế độ miễn thị thực 15 ngày, dẫn đến không thu hút được khách có khả năng lưu trú dài ngày với mức chi tiêu cao.
Các doanh nghiệp lữ hành mong muốn được tăng số ngày miễn thị thực cho các thị trường xa từ 15 ngày lên 30 ngày, cùng với đó là đơn giản hóa và chuyên nghiệp hóa việc cấp thị thực điện tử và thị thực tạo sự thoải mái, nhanh chóng, thuận lợi cho du khách.
Mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch thể hiện qua các gói hỗ trợ tiền thuê đất, tiền điện, hỗ trợ tài chính, giảm lãi vay ngân hàng… nhưng theo phản ánh, các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận. Sau hai năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp lữ hành gần như kiệt quệ, không còn năng lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất…
Theo ông Nguyễn Công Hoan, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất và cũng cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng đến thời điểm này, ngoài chính sách cho lao động thất nghiệp, giãn, giảm thuế chung… thì chưa có gì hỗ trợ sát thực hơn để doanh nghiệp du lịch có thể kịp phục hồi. Các doanh nghiệp lữ hành hầu như chưa tiếp cận được nguồn vay. Khi vay, doanh nghiệp phải đưa ra phương án kinh doanh, nhưng với việc thị trường đang mới khởi động lại, thị trường nguồn chưa có... các doanh nghiệp khó đưa ra các phương án cụ thể.
"Vay để trả lương cho nhân viên, hay để phục vụ cho văn phòng thì cũng không được. Còn vay để phục vụ cho phương án kinh doanh thì chưa có gì rõ ràng. Xét về tính sẵn sàng, không doanh nghiệp nào đủ điều kiện để lên phương án vay", ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Đạt, hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch khó tiếp cận được các gói hỗ trợ. Để phục vụ cho du lịch sau khi mở cửa, các doanh nghiệp vận tải, nhà hàng, khách sạn cần sửa chữa phương tiện vận chuyển, cũng như tính toán phương án tài chính đầu tư thêm xe mới, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp cơ sở hạ tầng... Vì vậy, nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi là điều doanh nghiệp quan tâm.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc AZA Travel cũng cho rằng, ngân hàng "làm chặt" như vậy cũng là do phải bảo đảm an toàn nguồn vốn của mình, khi đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch không đủ các điều kiện vay vì đều kiệt quệ sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Không ít chủ doanh nghiệp phải vay với tư cách cá nhân, lấy số vốn vay đó để đầu tư lại cho doanh nghiệp của mình.
Thấu hiểu những điều trên của đồng nghiệp, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông marketing TSTtourist chia sẻ, đang vào mùa cao điểm du lịch hè, các bên lữ hành cần nguồn tài chính lớn để đặt cọc tất cả các dịch vụ trong tour tuyến, nhưng doanh nghiệp đang tự thân vận động xoay sở nguồn tiền: "Tiếp cận khoản vay lãi suất thông thường đã khó, nói gì đến gói vay hỗ trợ 2% lãi suất".
Còn Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on-Hop off Việt Nam Nguyễn Khoa Luân nói rằng, từ khi phục hồi hoạt động sau dịch COVID-19, doanh nghiệp chỉ được giải ngân duy nhất một khoản chưa đến 5% so với hồ sơ vay vốn gửi đến ngân hàng.
"Ngân hàng đưa ra lý do đã hết room tín dụng. Còn về gói hỗ trợ 2% lãi suất như Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chinh phủ thì ngân hàng nào cũng nói chờ văn bản hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước, nhưng không biết chờ đến bao giờ", ông Luân cho biết.
Vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch rất mong sớm tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để khôi phục lại sản xuất, kinh doanh và đầu tư phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, phục vụ ngành du lịch nói chung.
Bài 2-"Cứu" doanh nghiệp du lịch: Chính sách cần sát với thực tế