Báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 mới công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid-19. Ngành du lịch vừa cố gượng dậy sau năm 2020 bị tác động Covid-19 cùng với thiên tai lịch sử miền Trung, đang kỳ vọng dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì lại hứng chịu tác động của đợt bùng phát dịch mới. Dẫn tới lượng khách đặt tour cho dịp nghỉ lễ Tết dương lịch và Tết âm lịch năm nay giảm hơn rất nhiều so với các năm. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch đang gặp khó khăn về tài chính do không có doanh thu và rơi vào tình trạng kiệt quệ.
Theo phản ánh của Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA), hiện có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương và đang cố gắng kích cầu du lịch nội địa để truy trì nhân sự chủ chốt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, quy định tiền ký quỹ 500 triệu/doanh nghiệp lữ hành quốc tế khiến doanh nghiệp bị đọng vốn. Trong tình cảnh khó khăn, khoảng 600 doanh nghiệp tạm rút giấy phép để lấy lại ký quỹ, cân đối tài chính.
Mặt khác, giá điện của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú vẫn bị áp giá điện dịch vụ, chưa được tính theo giá điện sản xuất, dẫn đến chi phí duy trì cao. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị mất tiền đặt cọc cho các hãng hàng không quốc tế 50-60 tỷ do hủy tour. Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ từ nhà nước.