'Thị trấn ma' trong lòng San Francisco

Thứ Bảy, 12/12/2020 14:04
Đại dịch Covid-19 ập đến làm chao đảo cuộc sống của toàn bộ người dân và biến một trong những khu phố buôn bán nhộn nhịp nhất nước Mỹ thành "thị trấn ma".

Những cửa hiệu một thời tấp nập và lung linh ánh sáng trên khu phố người Hoa ở San Francisco giờ đây đang ẩn mình phía sau lớp cửa sắt, tĩnh mịch, yên ắng.

Bên trong một vài gian hàng nghệ thuật, người ta thoáng thấy những tác phẩm điêu khắc được chạm trổ công phu nhưng phủ đầy bụi sau thời gian dài không người chăm sóc. Đa phần những cửa hàng khác trên khu phố người Hoa đều trống rỗng.

"Thị trấn ma"

Khung cảnh hiu hắt trên phố người Hoa ở San Francisco phản ánh sự tàn phá khủng khiếp đại dịch Covid-19 mang đến cho các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ.

Tình hình thậm chí tồi tệ hơn ở phố người Hoa San Francisco, một trong những con phố kinh doanh lâu đời nhất nước Mỹ, bởi đa phần nguồn thu đến từ khách du lịch và người qua đường.

"Thật tệ đúng không. Khung cảnh như một thị trấn ma", Betty Louie, tư vấn viên của Hiệp hội Thương nhân thị trấn người Hoa San Francisco, nói.

9 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát, một số doanh nghiệp đã đóng cửa, một số khác treo biển thông báo chỉ mở cửa vào cuối tuần. Louie ước tính hoạt động kinh doanh tại con phố đã giảm từ 85-90%.

pho nguoi Hoa thi tran ma anh 1

Phố người Hoa ở San Francisco vắng lặng vì đại dịch. Ảnh: AP.

"Có những cửa hàng tôi tin sẽ không bao giờ mở cửa trở lại", Louie nói.

Phố người Hoa đã vắng vẻ từ trước khi ca nhiễm virus corona đầu tiên được phát hiện ở San Francisco, xuất phát nỗi sợ hãi người gốc Á bởi dịch bệnh có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Để cứu vãn tình hình, hồi tháng 2, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, tức thủ lĩnh phe đa số Dân chủ, đã tới khu phố này nhằm khuyến khích người dân "đến thăm và tận hưởng". Bà Pelosi cũng tới thăm nhà máy của một công ty sản xuất bánh kẹo có tên Golden Gate Fortune Cookie.

Thời điểm đó, chủ nhà máy là Kevin Chan tin tình trạng phân biệt chủng tộc sẽ là điều tồi tệ nhất đối với hoạt động kinh doanh của phố người Hoa. Và rồi đại dịch thực sự ập đến.

"Nếu tới thăm phố người Hoa vào cuối tuần, bạn sẽ thấy đủ mọi hoạt động, mọi người đều rất hào hứng. Giờ thì không còn ai đến đây nữa. Ngay cả các nhà hàng cũng điêu đứng bởi không thể phục vụ khách hàng tại chỗ. Họ đơn giản là không tồn tại được", ông Chan nói.

Phong tỏa lần 2

San Francisco là một trong những thành phố đầu tiên tại Mỹ yêu cầu người dân ở trong nhà vào tháng 3, với hy vọng phản ứng nhanh chóng và quyết liệt có thể giúp kiểm soát sự lây lan của virus. Thành phố thực tế đã giữ được tình trạng lây nhiễm ở mức thấp, nhưng tác động tới nền kinh tế đến ngay lập tức.

Các thương nhân tại thành phố đã làm những gì có thể để tồn tại. Khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng, cho phép ăn uống ngoài trời và một số dịch vụ trong nhà, các cửa hàng tiến hành kinh doanh ngay trên vỉa hè và một phần lòng đường.

Tuần trước, San Francisco là một trong 5 khu vực tái áp đặt các lệnh phong tỏa và một lần nữa yêu cầu người dân ở trong nhà, khi số ca nhiễm Covid-19 một lần nữa tăng nhanh trên khắp tiểu bang California.

Thống đốc California Gavin Newsom đã ra lệnh phong tỏa mọi khu vực nơi các cơ sở chăm sóc y tế gần quá tải.

pho nguoi Hoa thi tran ma anh 2

Người dân đeo khẩu trang khi ra bên ngoài ở phố người Hoa. Ảnh: AP.

Tại khu vực vịnh San Francisco, các cơ sở y tế chỉ còn 25% số giường bệnh. Thị trưởng San Francisco London Breed cho biết thành phố phải áp dụng biện pháp phòng ngừa mạnh tay để bảo vệ mạng sống người dân.

Đối với Louie và các tình nguyện viên, lệnh phong tỏa mới của chính quyền San Francisco là một quyết định "tàn khốc".

"Chúng tôi là một trong số ít những thành phố có thể cho phép ăn uống ngoài trời nhiều hơn vào những tháng mùa đông. Thành phố không có tuyết như các thành phố ở bờ Đông. Khả năng tồn tại của các doanh nghiệp có thể cao hơn nếu như họ (chính quyền thành phố) cho phép", Louie nói.

Các doanh nghiệp ở phố người Hoa có lý do để tức giận, bởi số ca nhiễm Covid-19 tại đây thấp hơn nhiều so với các khu vực khác của thành phố, nếu so sánh về quy mô dân số.

Phố người Hoa mới chỉ ghi nhận 102 ca nhiễm virus corona. Trong khi đó, khu vực lân cận là Marina đã có tới 376 ca nhiễm bệnh, và người dân ở đây tiếp tục tổ chức những buổi tụ tập ăn uống bất chấp yêu cầu giãn cách.

"Chúng tôi đã làm phần việc của mình, đeo khẩu trang mỗi ngày, nhưng có những người khác lại muốn đi bar và tiệc tùng. Vì sao chúng tôi lại phải gánh chịu hậu quả?", ông Kevin Chan nói.

"Như dòng nước"

Nhiều cửa hàng tại phố người Hoa đang quảng cáo khuyến mãi trước khi đóng cửa hay chạy những chương trình siêu khuyến mãi.

Cửa hàng Arts of China của Sue Lau là một trong số đó. Nữ thương nhân cho biết muốn bán tất cả hàng hóa còn lại trong cửa hàng và đóng cửa nghỉ hưu. Một số cửa hàng tiếp tục hoạt động, nhưng phải di chuyển tới địa điểm nhỏ hơn do không còn đủ tiền thuê mặt bằng.

"Tôi cảm thấy đau lòng. Tôi đã buôn bán ở đây 54 năm và chưa từng nhìn thấy điều tương tự (ở phố người Hoa)", bà Lau nói.

Dù đau lòng khi nhìn thấy khu phố của mình chao đảo, đối với một thương nhân như bà Lau, thực tế hiện nay là điều có thể thấy trước.

Phố người Hoa do người nhập cư xây dựng và để phục vụ người nhập cư. Trong khi người nhập cư và con cái họ luôn tìm cách học tập để thay đổi và hòa nhập vào thế giới mới, phố người Hoa vẫn như từ trước tới nay. Đối với bà Lau, đó chính là vẻ đẹp của khu phố.

"Ở phố người Hoa, mọi thứ vẫn giống như 50 năm trước. 50 năm, không có gì thay đổi. Và người dân ở đây cũng không muốn thay đổi", bà Lau nói.

pho nguoi Hoa thi tran ma anh 3

Phố người Hoa ở San Francisco một thời tấp nập. Ảnh: AP.

Một thực thể không bao giờ thay đổi trong thế giới luôn luôn biến đổi có thể khiến người ta an tâm. Nhưng từ góc độ kinh doanh, rõ ràng phố người Hoa cần hành động để có thể tồn tại, bà Louie nhận xét.

Nhiều người ở phố người Hoa hoài nghi viễn cảnh khu vực này có thể quay trở lại thời hoàng kim như trước đại dịch. Nhưng với bà Louie, không gì là không thể.

"Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra sau khi đại dịch qua đi. Nhưng năm 1906 cả khu vực đã bị phá hủy bởi trận động đất, khi đó không tòa nhà nào còn nguyên vẹn. Và hơn một thế kỷ sau, chúng tôi vẫn vững vàng ở nơi đây. Tôi có niềm tin là chúng tôi sẽ vẫn đứng vững, chỉ là trong một bối cảnh khác", bà Louie nói.

Ngay trước khi lệnh phong tỏa lần hai được ban bố, bà Louie tham gia dự án lắp đặt một bức tranh tường của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long ở phố người Hoa. Hình ảnh bậc thầy võ thuật - cứng rắn, mạnh mẽ và đầy quyết tâm - có lẽ là điều khu phố cần nhất vào lúc này, bà Louie nói.

"Bức tranh trích dẫn lại lời nói của ông Lý: 'Hãy như dòng nước'. Đó là bài học chúng ta rút ra được từ hoàn cảnh hiện nay", bà Louie nói.

Theo Zing

Tin khác