"Nàng thơ" của núi rừng Tây Nguyên

Thứ Bảy, 20/07/2024 18:11
Thác Dray Nur nằm ở thôn Buôn Kuốp, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk được ví như "nàng thơ" của núi rừng Tây Nguyên, điểm chinh phục du khách trên dòng sông SêrêPốk.

Đến nay, thác Dray Nur được in đậm trong trí nhớ mỗi du khách đã đến đây, bởi con thác sở hữu vẻ đẹp hoang dã và được ví như "nàng thơ" của những con thác ở đại ngàn Tây Nguyên. Người dân địa phương đã lưu truyền một câu chuyện cổ tích để lý giải sự tồn tại của con thác. Theo đó, bên cạnh dòng sông SêrêPốk có hai người con trai con gái yêu nhau. Chàng trai ở làng bên Tây mé sông, còn cô gái ở làng phía Đông mé sông. Vì ngăn cách của dòng sông, ngăn cách của hai làng, hai gia đình mà chàng trai cô gái đã gieo mình xuống dòng sông để hẹn thề ở bên nhau mãi mãi.

Có lẽ quá cảm động mà trời nổi giông bão tách dòng sông Sêrêpốk thành 2 nhánh: Krông Ana và Krông Nô. Nơi cô gái reo mình trở thành điểm thác Dray Nur (thác Vợ), còn điểm chàng trai gieo mình trở thành điểm thác Dray Sáp Thượng (thác Chồng). Hình ảnh thác đổ xuống từ trên cao cũng được ví von tựa giọt nước mắt của người con gái đau khổ vì tình.

Dray Nur được mệnh danh là "nàng thơ" của đại ngàn Tây Nguyên

Điểm thác Dray Nur được tỉnh Đắk Lắk đưa vào khai thác du lịch từ năm 2018. Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê (tiền thân của Công ty TNHH đầu tư du lịch Trung Nguyên Healing) đã đưa vào khai thác tour du lịch mạo hiểm thác Dray Sáp Thượng – Dray Nur, được kỳ vọng là tour du lịch trải nghiệm thú vị, mới mẻ, thu hút du khách.

Chị Lê Thị Thắm, một sinh viên năm 3 tại Thành phố Buôn Ma Thuột nhận xét về điểm du lịch này: “Du khách đến đây phải vượt các mỏm đá, vách núi cheo leo, tận mắt ngắm nhìn và cảm nhận bàn tay tạo tác của thiên nhiên trong cảnh quan hùng vĩ, hoang sơ. Nếu du khách muốn thử càm giác mạnh có thể thử chèo thuyệt vượt thác ghềnh, sẽ rất tuyệt vời nếu du khách vượt qua”.

Tại đây, ngoài các hoạt động thám hiểm, chinh phục, du khách có thể tham gia các hoạt động vui chơi tại chỗ như bắn cung, tham gia tour xe địa hình. Để đến được chân thác Dray Sáp, du khách đi qua hai cây cầu treo dẫn đến một hành lang dài với những bậc tam cấp phủ rợp bóng cây. Từ cầu treo có thể nhìn thấy thác Dray Sáp như một bức tường nước khổng lồ. Qua hành lang đá là một lối mòn xuyên rừng, sau đó men theo những vách đá dẫn đến đỉnh thác cách khoảng 50 m, du khách sẽ thấy hồ nước trong và tĩnh lặng hơn dòng nước dữ dội ngoài kia. Tại đây, du khách có thể bơi, chèo SUP, chèo thuyền kayak, chụp ảnh check in, có khu vực đặt đồ ăn và chỗ nghỉ cho du khách.

Đại diện Công ty TNHH đầu tư du lịch Trung Nguyên Healing (Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê đổi tên) cho hay: “Từ thác Dray Nur, du khách có thể lang thang theo những con đường mòn trong rừng nguyên sinh để ngắm những gốc cây đại thụ hàng ngàn năm tuổi, rễ của chúng ôm chặt những tảng đá lớn, hoặc khám phá những hang động kì thú. Du khách không chỉ hòa mình vào thiên nhiên mà còn được tham gia trải nghiệm những dịch vụ khác biệt như: cắm trại ngắm bình minh, tự tay làm rượu cần, thưởng thức các món ăn đặc sản đậm chất Tây Nguyên. Ngoài ra du khách có thể tham gia những tour rèn luyện sức khỏe và tinh thần với các hoạt động tràn đày năng lượng: đạp xe trên con đường thơ mộng với những vườn cà phê xanh ngát trải dài, vượt thác ngắm chốn tiên cảnh trên sông Sêrêpôk, leo núi men theo những triền đá cổ xưa”.

Du khách tham gia trải nghiệm các hoạt động ở cụm thác Dray Nur - Dray Sáp Thượng

Ông Trần Hữu Toản – Phụ trách kinh doanh thác Dray Nur cho biết: “Lượng khách đến đây ngày một đông, chúng tôi đang cố gắng nâng cấp hạ tầng và cải thiện năng lực phục vụ. Tour mà chúng tôi thiết kế đủ để du khách trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực một cách thú vị”.

Cụm thắng cảnh thác Dray Nur và thác Dray Sáp Thượng đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Vẻ đẹp hoang sơ, ấn tượng của hai thác nước này hằng năm thu hút khoảng hơn 100.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Để khai thác lợi thế này, Huyện ủy Krông Ana cũng đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/HU về phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển du lịch văn hóa, sinh thái nông nghiệp - nông thôn mới. Phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di tích văn hóa, lịch sử, danh thắng trên địa bàn.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng yêu cầu tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đầu tư các dự án du lịch, nâng cao hạ tầng du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch của huyện Krông Ana. Thông qua các giải pháp đó, đến 2025 ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

 

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Tin khác