“Đánh thức” du lịch Tây Nguyên

Thứ Bảy, 22/04/2023 03:03
Tây Nguyên vốn giàu tài nguyên du lịch. Thế nhưng đến nay, ngành “công nghiệp không khói” ở đây vẫn chưa thể phát huy hết thế mạnh!

Núi lửa Chư Đăng Ya, một điểm đến tuyệt đẹp ở Gia Lai

Gia Lai có thác Phú Cường từng nhộn nhịp khách tham quan nhưng đến nay lại vắng người; không gian tham quan núi lửa Chư Đăng Ya hoạt động theo mùa vụ ngắn ngủi; di tích Nhà tù Pleiku buồn tẻ chờ du khách; thuỷ điện Ya Ly một thời vang danh bây giờ ảm đạm. Vì đâu nên nỗi?

Thiếu bài bản, kém chuyên nghiệp

Theo ông Phạm Hoàng Trực - Giám đốc Công ty TNHH du lịch Quốc tế Gotour tại Thành phố Hồ Chí Minh: “Gia Lai không đủ điểm tham quan du lịch cho hành trình kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Các điểm này cũng chỉ có tập trung ở thành phố Pleiku, một ngày đi là đã hết”.

Chính vì sự đơn điệu, thiếu hấp dẫn của du lịch ở Tây Nguyên mà nhiều địa phương trong vùng đã gấp rút lên kế hoạch xây dựng hạ tầng, dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp này. Đặc biệt là khai thác tối đa sự đa dạng văn hoá của 47 dân tộc anh em.

Nghị quyết 12-NQ/TU của Tỉnh uỷ Kon Tum đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kêu gọi xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 05 khách sạn cao cấp hạng từ 4 đến 5 sao. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, các hộ kinh doanh đầu tư xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ ở phân khúc trung bình và bình dân.

Công nhận ít nhất 01-02 khu, 04-08 điểm du lịch địa phương. Thu hút đầu tư 02 khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với thể thao. Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 01 làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng từ 01-02 sản phẩm du lịch đặc trưng.

Phấn đấu xây dựng Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia, trở thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu trong nước và khu vực.

Tỉnh Đắk Nông cũng có đánh giá trực diện về vấn đề này khi cơ sở hạ tầng nói chung và du lịch nói riêng còn nhiều hạn chế, trục đường Quốc lộ 14, 14C, 28 bị xuống cấp, chậm khắc phục. Hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch chưa được đầu tư nâng cấp.
Sản phẩm du lịch còn thiếu, mới chỉ hình thành hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch, các sản phẩm về tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mới chỉ đầu tư bước đầu, quy mô nhỏ lẻ chưa tạo được ấn tượng cho du khách, chất lượng dịch vụ chưa cao.

Hạ tầng giao thông là nút thắt của Du lịch Tây nguyên

Nhận diện điểm nghẽn

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, vùng Tây Nguyên được đánh giá có nhiều tiềm năng nhưng chưa được "đánh thức". Tây Nguyên giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, là cơ hội để phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch trải nghiệm làng nghề, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa tộc người… Tuy nhiên, các loại hình du lịch này hiện chưa phát triển tương xứng.

Để “cởi nút thắt” đáp ứng phát triển du lịch, Tây Nguyên phải nhìn nhận lại công tác thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng và nhìn lại chính mình. Tiến sĩ Nguyễn Duy Thuỵ - Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Tây Nguyên chỉ ra mấy trở ngại mang tính hệ thống, cụ thể:

Thứ nhất, tình trạng mạnh ai nấy làm tương đối phổ biến ở các tỉnh vùng Tây Nguyên. Chưa có sự điều phối chung, nên trùng lặp về sản phẩm du lịch (văn hoá cồng chiêng, dệt, đồ lưu niệm). Do vậy, khách du lịch chỉ tập trung chủ yếu ở một số tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk. Công tác liên kết, hợp tác nội vùng, liên vùng vẫn gặp khó khăn, vướng mắc.

Thứ hai, thiếu nguồn nhân lực tinh nhuệ, xây dựng ấn phẩm, các chương trình quảng bá xúc tiến chung đến thị trường nước ngoài. Tổ chức tour du lịch chưa gắn kết với các sự kiện của địa phương.

Thứ ba, là kết cấu hạ tầng ở các tỉnh Tây Nguyên kết nối đến các vùng khác còn nhiều bất cập, đặc biệt là hệ thống đường bộ bị xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến việc khai thác các chương trình du lịch kết nối giữa các địa phương.

Thứ tư, các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, quy hoạch lại hệ thống điểm đến, hạ tầng giao thông, đầu tư ngân sách công cho ngành du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thu hút đầu tư, quảng bá du lịch. Bên cạnh đó phải xây dựng sản phẩm du lịch có “chất” của riêng mình.

Theo Mai Chiến (Diễn đàn doanh nghiệp)

Tin khác

Video: Đôi dép không thể thiếu nhau