‘Thuốc’ nào vực dậy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng?

Thứ Sáu, 26/08/2022 18:03
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang ở điểm rơi khá sâu sau thời gian phát triển mạnh, nhưng theo các chuyên gia, không nên để “bệnh nặng” rồi mới cứu chữa.

Èo uột thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), từ đầu năm đến nay, số lượng dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được triển khai, hoàn thành rất ít. Cụ thể, chỉ có 52 dự án với hơn 20.000 căn hộ du lịch và gần 8.000 biệt thự du lịch. Số lượng dự án chỉ bằng 98% so với quý 4/2021.

‘Thuốc’ nào vực dậy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng?  - ảnh 1

Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng dù đang eo hẹp nhưng vẫn tồn kho - LÊ QUÂN

Bên cạnh đó, số lượng dự án được chấp thuận mới cũng không nhiều, chỉ có 5 dự án mới với 67 biệt thự du lịch và 220 văn phòng kết hợp lưu trú. Số lượng dự án bất động sản nghỉ dưỡng mới được chấp thuận chỉ bằng 83% so với quý 4/2021.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2021, cả nước chỉ có 52 dự án với 13.600 căn hộ du lịch và căn hộ văn phòng lưu trú; gần 2.300 biệt thự du lịch được chấp thuận. Số lượng dự án chỉ bằng khoảng 35% so với năm 2020. Số lượng dự án bất động sản nghỉ dưỡng tập trung nhiều nhất tại miền Trung với 42 dự án với khoảng 13.300 căn hộ du lịch và hơn 1.900 biệt thự du lịch.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, hầu như không có hàng tồn kho ở đa số các loại hình, phân phúc mà chỉ tồn kho nhiều ở bất động sản nghỉ dưỡng.

Nhiều chuyên gia bất động sản đều cho rằng, sau thời gian dài phát triển mạnh, góp phần tạo dựng được hạ tầng cơ sở thúc đẩy du lịch trong nước thì vài ba năm gần đây đã chững lại, chưa nhìn thấy nhịp hồi phục. Thậm chí, bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay khá èo uột cả về nguồn cung và thanh khoản nên tồn kho là tất yếu.

Bên cạnh đó, lùm xùm về một số dự án condotel bị vỡ cam kết, không chi trả đúng, đủ lợi nhuận cho nhà đầu tư hay không bàn giao sản phẩm đúng hạn, khai thác kém hiệu quả… nổi lên trong thời gian gần đây cũng khiến không ít người mặn mà với các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng.

“Dòng tiền hiện không hướng vào bất động sản nghỉ dưỡng nên thị trường condotel, shophouse biển, biệt thự du lịch biển… khá nguội lạnh về giao dịch dù giá vẫn neo ở mức tương đối cao. Nguyên nhân, do trải qua hơn 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, ngành du lịch đến nay chưa thể phục hồi mạnh nên chắc chắn bất động sản nghỉ dưỡng khó có cơ hội.

Bên cạnh đó, đa số các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng chưa được hoàn thiện pháp lý nên cũng khó thu hút nhà đầu tư xuống tiền. Nếu không có động lực hồi phục mạnh từ ngành du lịch hoặc động thái tích cực từ nhà nước, bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới vẫn sẽ gặp khó khăn, dòng tiền sẽ còn ghẻ lạnh với loại hình bất động sản này”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định.

Cần “kê đơn bốc thuốc chữa bệnh” cho bất động sản nghỉ dưỡng

PGS - TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhận định trong bối cảnh vốn vào thị trường bất động sản nói chung còn khó khăn thì bất động sản nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ không dễ tìm kiếm được nguồn vốn mạnh, rẻ.

‘Thuốc’ nào vực dậy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng?  - ảnh 2

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có chính sách cứu thị trường bất động sản du lịch để thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch - LÃ NGHĨA HIẾU

Về dự báo khi nào dòng tiền sẽ trở lại bất động sản nghỉ dưỡng, PGS - TS Thịnh cho rằng rất khó có thể nói trước được điều gì trong bối cảnh vốn ngân hàng khó tiếp cận, còn nguồn vốn trái phiếu cũng bị siết quản lý. Chỉ có thể là sự phục hồi đích thực của ngành du lịch thông qua các gói kích cầu du lịch. Khi thị trường du lịch hồi phục mạnh, chắc chắn sẽ kéo theo lực hồi của bất động sản nghỉ dưỡng, do đây là hạ tầng cơ sở quan trọng.

PGS - TS Thịnh cũng cho rằng không thể để bất động sản nghỉ dưỡng trầm lắng lâu quá, “giống như để bệnh nặng sẽ khó chữa” nên nhà nước cần “kê đơn bốc thuốc” sớm, tránh để trầm trọng quá.

Cụ thể, cần nghiên cứu, ban hành chính sách kích thích hoàn thiện về pháp lý để các địa phương, chủ đầu tư, nhà đầu tư yên tâm đầu tư.

Đồng thời, cũng cần cơ chế hỗ trợ về tài chính cho bất động sản nghỉ dưỡng để thúc đẩy tạo dựng cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch, kích thích nhu cầu trong nước, sẵn sàng đón dòng khách quốc tế trở lại sau dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), cho rằng cần đưa nội dung pháp lý bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng… vào nội dung dự thảo luật Đất đai sửa đổi để tạo điều kiện lấy ý kiến, hoàn thiện pháp lý.

Đồng thời, cần rà soát các quy định pháp luật liên quan đến luật Đầu tư, luật Du lịch, luật Kinh doanh bất động sản… để tránh chồng chéo, lỗ hổng quản lý. Khi hành lang pháp lý rõ ràng thì mới thu hút được đầu tư, dòng vốn đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng, tạo dựng được cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch trong nước vốn còn nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác tương xứng.

Theo Lê Quân (Thanh niên)

Tin khác