Xuân về theo lễ hội Đền Thượng - Lào Cai

Thứ Ba, 27/02/2024 22:59
Mùa xuân là mùa của lễ hội. Các lễ hội mùa xuân cũng thường được tổ chức nhiều nhất so với các mùa khác trong năm. Mùa xuân năm nay đang về trên mảnh đất biên cương địa đầu tổ quốc.

Từ bao đời, lễ hội truyền thống mùa xuân là một loại hình sinh hoạt tổng hợp bao gồm nhận thức và quan niệm của mọi người về các mặt vật chất, tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật của từng tộc người từng vùng miền đối với những gì là huyền bí linh thiêng về thế giới thần linh cũng như sự giản dị và chân thật của đời thường.

Lễ hội Đền Thượng (Lào Cai) góp phần giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc về tinh thần chống giặc ngoại xâm của các dân tộc nơi mảnh đất biên cương địa đầu của Tổ quốc.

Trên thực tế, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng qua các lễ hội mùa xuân đã trở thành nét đẹp trong phong tục của người dân Việt Nam, được bảo lưu và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến với lễ hội, con người như được giải thoát những ưu tư, phiền muộn, tin tưởng lạc quan về những khát vọng vươn tới.

Lễ hội Đền Thượng tại Lào Cai được tổ chức gắn với Đền Thượng, tọa lạc trên núi Mai Lĩnh ở độ cao 1200m so với mực nước biển. Lễ hội nhằm tôn vinh và tưởng nhớ đến công đức của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nơi sau khi đánh đuổi quân Nguyên - Mông bảo toàn bờ cõi giang san, người đã đứng trên đỉnh núi và cắm ngọn đao xuống nơi này để đánh dấu lãnh thổ.

Để tưởng nhớ công ơn của các vị tướng tài có công, sau này, nhân dân đã xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần và các tướng lĩnh của ông hàng năm tổ chức lễ hội vào ngày 13, 14, 15 tháng Giêng Âm lịch. Đền Thượng được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia, lễ hội được phục hồi.

 

Các nghi lễ trang nghiêm trong phần Lễ tế và Lễ rước tại Đền Thượng.

Lễ tế bắt đầu từ chiều ngày 14, mỗi nghi lễ cử hành trong buổi tế đều được bắt đầu với tiếng nhạc lưu thủy, trống, chiêng làm cho không khí lễ hội càng linh thiêng và uy nghiêm. Mở đầu, chủ lễ tiến hành nghi lễ dâng hương. Sau đó, đội tế thực hiện nghi lễ tế dưới nhịp điệu chiêng, trống, lễ nhạc âm vang và sự điều hành bằng lời của 2 vị Đông xướng, Tây xướng. Hai người trong đội tế đứng ở hai bên nhang án tiếp nhận lễ vật đặt lên ban thờ. Đầu tiên là nghi lễ cung thỉnh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tiếp đến nghi lễ dâng lễ vật lên các thần, gồm: dâng đăng, dâng hương, dâng hoa, dâng quả, dâng thực, dâng tửu. Mỗi loại lễ vật đều được dâng một đôi và đặt đối xứng trên ban thờ. Sau khi dâng lễ vật, chủ tế đọc văn tế Đức Thánh Trần. Kết thúc lễ tế, nhân dân vào dâng hương để tưởng nhớ, tạ ơn công đức của Ngài đối với đất nước và nhân dân trăm họ.

Lễ rước diễn ra vào sáng ngày chính hội tức ngày 15 tháng Giêng (chỉ rước bài vị và áo mũ của Ngài vì đây là ngôi đền thờ vọng Đức Thánh Trần). Sáng sớm ngày chính hội, đoàn tham gia lễ rước và các đạo cụ, lễ vật được xếp theo trật tự, gồm: đội rước cờ Tổ quốc và cờ hội, đội trống, đội bát âm, đội bát bửu và lọng, đội rước cờ, đội rước mâm lễ, kiệu Long Đình - kiệu Bát Cống - kiệu Võng, đội tế nam - nữ, cộng đồng, đội múa rồng. Tiếng trống khai hội vang lên, người dân làm lễ rước kiệu Đức Thánh Trần từ sân hội chính lên sân Đền Thượng. Tại đây, chủ lễ cùng khách thập phương dự hội, nghe đọc bản chúc văn và làm lễ dâng hương nhớ về công lao của Ngài đối với đất nước

Sau lễ dâng hương, du khách thập phương, người dân địa phương vào đền dâng lên thánh thần cầu xin cho bản thân, gia đình và mọi người sức khỏe, tài lộc, bình an,...

Bên cạnh các nghi lễ tâm linh, hội còn có các sinh hoạt văn hóa.

Bên cạnh các nghi lễ tâm linh, hội còn có các sinh hoạt văn hóa như: các trò chơi truyền thống  ném còn, đi cà kheo, chơi đu, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ,…, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn nghệ, trưng bày, bán các sản vật, ẩm thực địa phương như xôi ngũ sắc, thắng cố, rượu ngô….

Lễ hội Đền Thượng là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Lào Cai, góp phần giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy truyền thống uống nước nhớ nguồn, niềm tự hào dân tộc về tinh thần chống giặc ngoại xâm của các dân tộc nơi mảnh đất biên cương địa đầu của Tổ quốc.

Đây cũng là nơi gặp gỡ và tôn vinh giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc ở Lào Cai, tăng cường tính cố kết cộng đồng, biểu tượng của sự đoàn kết các dân tộc. Lễ hội cũng là dịp đẩy mạnh các Hội nghị đầu tư, xúc tiến và phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh con người và du lịch của Lào Cai.

 

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Tin khác