Xinh xinh những mái rông nhỏ

Thứ Năm, 25/08/2022 08:03
Nói đến nhà rông chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đến những nóc nhà cao nghễu nghện, uy nghi đứng giữa buôn làng người Ba-na, Xơ-đăng, mà ít ai biết còn có những ngôi nhà rông nho nhỏ xinh xinh "ẩn mình" khiêm tốn ở một số buôn làng đồng bào Xơ-đăng bên bóng núi Ngọc Linh.

Muốn "mục sở thị" những ngôi nhà rông nho nhỏ xinh xinh ấy thì mời về xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, ven vùng lõi quần sơn Ngọc Linh, quê hương loài sâm "quốc bảo".

Xã Đăk Na cách trung tâm thành phố Kon Tum chừng 90 km. Đến đây người ta không khỏi ngạc nhiên trước 3 chiếc nhà rông bé nhỏ đứng ở 3 góc làng. Đây là những chiếc nhà rông riêng của các cụm hộ gia đình cùng ăn chung một nguồn nước "giọt". 

Do quanh làng có nhiều nguồn nước trong mát từ núi rừng hoang sơ chảy về, từng cụm hộ gia đình (ít thì 3 - 4 hộ, nhiều thì 5 - 6 hộ) ở gần nguồn nước nào thì cùng ăn chung nguồn nước ấy và lập riêng một máng nước. Đã ăn lộc của núi rừng, của trời đất thì phải tạ ơn trời đất, núi rừng. Những chiếc nhà rông nhỏ này là của riêng cụm hộ gia đình ấy. Nó được dựng lên để hằng năm làm lễ cúng máng nước. Như vậy, cái nhà rông lớn là "nhà rông làng", còn mấy ngôi nhà rông nhỏ này là… "nhà rông xóm"!

Xinh xinh những mái rông nhỏ - Ảnh 1.

“Nhà rông xóm” của cụm hộ gia đình A Dum, A Dỏi, A Xuân

"Nhà rông xóm" cũng giống y mô hình nhà rông làng nhưng nhỏ hơn. Mỗi ngôi "nhà rông xóm" cao chừng 5 - 6 m, phần chân trụ cách mặt đất chừng trên dưới 1 m. Diện tích khuôn sàn khoảng 3x5 m (tức chừng trên dưới 15 m2); mái vát cao hình lưỡi rìu, lợp tranh săn bện dày suôn mượt. Nhìn những ngôi "nhà rông xóm" này khiến liên tưởng loại hình nhà rông nghệ nhân làm thủ công bán tại các quầy hàng quà lưu niệm.

Dừng lại bên "nhà rông xóm" của cụm hộ gia đình A Dum, A Dỏi, A Xuân. Nơi đây vừa làm lễ cúng máng nước chưa lâu, còn nguyên "cột gưng" (cây nêu) trang trí màu mè đẹp mắt. Ở chân "cột gưng" còn nguyên bộ dây thừng cột trâu hiến tế. Trên thân cây còn treo nguyên thúng mủng gùi giỏ của các hộ gia đình trong "xóm" đặt các loại nông sản như lúa, bắp, mì (sắn), bí… dâng lên tạ ơn trời đất đã cho một vụ mùa thu hoạch tốt đẹp, có cả các loại lá thuốc có tác dụng chữa trị một số tật bệnh, ý cầu mong mọi người khỏe mạnh.

Lễ cúng máng nước tại "nhà rông xóm" thường được tổ chức cùng lúc với lễ hội Ăn mừng lúa mới (ning-nơng) của cả làng (khoảng tháng 10, tháng 11 hằng năm, sau khi thu hoạch xong vụ mùa). Tại không gian này, thỉnh thoảng cũng có tổ chức những buổi lễ cầu xin riêng khi có hộ gia đình nào đó trong "xóm" chăn nuôi trâu, bò, dê, heo... mà bị chết nhiều (vì đau bệnh, vì đẻ khó…), họ hiến tế một con vật đang nuôi để cầu xin yên ổn bầy đàn. Số lượng xương đầu trâu, bò, dê, heo… móc treo trên vách bên trong nhà rông tương ứng với số lượng lễ hiến tế của xóm.

Thường sau khi tổ chức tế lễ xong, những mái rông nhỏ này bị bỏ hoang phế theo thời gian. Đến năm sau, nếu có nhu cầu nữa thì sẽ được sửa sang lại. Và cũng chỉ một ít làng Xơ-đăng ở vùng Đăk Na, Đăk Sao này mới có lệ lập "nhà rông xóm" mà thôi.

Theo Tạ Văn Sỹ (Người Lao Động)

Tin khác