Vĩnh Phúc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao dịch vụ lưu trú

Thứ Ba, 09/08/2022 13:12
Vài năm gần đây, Vĩnh Phúc dành nhiều nguồn lực, tập trung đầu tư hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.

Vĩnh Phúc bước đầu khẳng định thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo hội nghị, du lịch kết hợp với chơi golf và du lịch văn hóa tâm linh. 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đón hơn 4,2 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trong đó có hơn 36.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đạt gần 1,8 nghìn tỉ đồng.

Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, số lượng và chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể. Năm 2017, toàn tỉnh có 338 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 5.000 buồng và 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 522 cơ sở lưu trú du lịch với 8.933 buồng. Trong đó có 4 khách sạn 5 sao; 2 khách sạn 4 sao; 8 khách sạn 3 sao; 48 khách sạn 2 sao; 21 khách sạn 1 sao và 439 sơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn.

 
Flamingo Đại Lải Resort là một trong những điểm thu hút du khách đến Vĩnh Phúc với các hoạt động vui chơi, giải trí đa dang. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng 

Dù vậy, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ. Các khách sạn được xếp hạng sao chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 15% trong tổng số cơ sở lưu trú du lịch; trong số đó vẫn chủ yếu là các khách sạn 1 và 2 sao.

Dịch vụ lưu trú du lịch trong tỉnh vẫn tồn tại một số vấn đề như chưa chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiếu chuyên nghiệp trong thiết kế, bài trí. Các dịch vụ bổ sung như nhà hàng, quầy bar, bể bơi… trong các cơ sở lưu trú chưa phong phú, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Một vấn đề khác là trình độ nhân lực ngành dịch vụ du lịch chưa đồng đều. Tổng số lao động trong các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch hiện nay đạt trên 3.000 người. Trong khi lực lượng lao động ở các khách sạn 3 -5 sao thường được đào tạo bài bản, có trình độ ngoại ngữ tốt và cách phục vụ chuyên nghiệp, đội ngũ quản lý và lao động tại các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ hầu như là người trong gia đình, lao động mùa vụ. Phần lớn được hướng dẫn và đào tạo tại chỗ, nhiều lao động khó tránh khỏi thiếu kỹ năng, kiến thức chuyên môn.

Bên cạnh nhận thức của một bộ phận chủ cơ sở lưu trú còn hạn chế, thời vụ là một trong yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ lưu trú hiện nay. Lượng khách đến Vĩnh Phúc tham quan, nghỉ dưỡng chủ yếu tập trung vào các tháng đầu năm, dịp lễ hội và mùa hè và chủ yếu là khách tham quan trong ngày. Doanh thu thấp khiến nhiều đơn vị kinh doanh, nhất là các cơ sở lưu trú nhỏ, gặp khó khăn trong việc tái đầu tư, nâng cấp buồng phòng, mở rộng dịch vụ, nhất là giữ chân lao động có kinh nghiệm, chuyên môn cao qua mùa thấp điểm. Tác động của COVID-19 cũng gây trở ngại cho đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thậm chí nhiều doanh nghiệp nhỏ phải cắt giảm nhân công để duy trì hoạt động.

Để tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, Vĩnh Phúc đang xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026. Tỉnh dự kiến đưa vào một số nội dung nhằm thúc đẩy dịch vụ lưu trú du lịch phát triển như hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Chính sách sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) mua sắm vật dụng, thiết bị, tạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ các tổ chức cá nhân kinh doanh lĩnh vực du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch.

Theo Phúc Long (Lao Động)

Tin khác