Vì sao có đường cao tốc nhưng Quốc lộ 1 vẫn đông nghìn nghịt?

Thứ Hai, 15/08/2022 17:50
Cao tốc Trung Lương –Mỹ Thuận được đưa vào sử dụng là niềm mong chờ hơn 10 năm của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên điều bất thường là kể từ khi tuyến cao tốc này bắt đầu thu phí thì số lượt phương tiện qua tuyến đường này giảm mạnh, vì sao?

Vì sao có đường cao tốc nhưng Quốc lộ 1 vẫn đông nghìn nghịt?

Phương tiện lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giảm gần một nửa kể từ khi thu phí. Ảnh TX

"Lối cũ ta về"

Theo Báo cáo của Công ty cổ phần cao tốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, kể từ 0 giờ ngày 9/8, đơn vị này đã đưa vào vận hành thu phí tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với chiều dài toàn tuyến 51,5km; mức phí thấp nhất/xe (từ 12 chỗ trở xuống) là 103.000 đồng, cao nhất (xe từ 18 tấn, container 40 feet) 335.000 đồng/xe. Trong gần một tuần thu phí chính thức bình quân mỗi ngày chỉ có hơn 17.000 lượt xe đi qua tuyến đường này, trong khi trong 90 ngày vận hành miễn phí thì mỗi ngày có trên 30.000 lượt phương tiện đi qua tuyến đường này.

Theo nhận định của đại diện Công ty cổ phần cao tốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, số lượt phương tiện đi trên cao tốc giảm gần 50% không phải do tổng lượng xe lưu thông hàng ngày giảm mà do hiện nay tuyến Quốc lộ 1 thuộc dự án BOT Cai Lậy chưa thu phí nên nhiều phương tiện chọn đường cũ lưu thông để "né nộp phí", do đó phương tiện lưu thông qua cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giảm đáng kể.

Theo quan sát của phóng viên và xác nhận của địa phương thì kể từ khi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bắt đầu thu phí thì tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang xe cộ qua lại đông đúc như hồi chưa có đường cao tốc. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ ùn tắc, mất an toàn giao thông vào giờ cao điểm, hay ngày lễ, Tết.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh An Giang cho biết, theo phản ánh của hội viên có 3 lý do mà nhiều chủ phương tiện không chọn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để lưu thông, đó là:

Thứ nhất, nhiều chủ phương tiện cho rằng với mức đầu tư cao tốc 4 làn xe (mỗi bên chỉ có 2 làn xe), tốc độ giới hạn 80km/giờ nhưng thu phí với mức từ bằng đến cao hơn một số cao tốc được đầu tư tốt hơn là bất hợp lý về giá cả.

Thứ hai, các phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định chọn đi đường Quốc lộ 1 là do phải đón, trả khách dọc đường. Trong khi đó, đối với xe tải, xe container, cho rằng thu phí cao tốc quá cao nên vẫn lựa chọn Quốc lộ 1 lưu thông để giảm chi phí.

Thứ ba là do dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thiết kế 4 làn xe, mỗi bên có hai làn xe với vận tốc lưu thông tối đa cho phép là 80 km/giờ và 60 km/giờ. Nhiều phương tiện vận tải nặng dù di chuyển không đến 80km/giờ nhưng vẫn bám làn đường 80km/giờ, phương tiện đi sau muốn vượt lên phải chạy vận tốc cao hơn trên làn đường 60km/giờ để vượt thì lại bị phạt vì vi phạm tốc độ. Trở ngại này cũng làm cho nhiều chủ phương tiện ngao ngán không muốn đi cao tốc mà chọn quay về sử dụng đường Quốc lộ cũ.

Vì sao có đường cao tốc nhưng Quốc lộ 1 vẫn đông nghìn nghịt? - Ảnh 1.

Nhiều phương tiện quay trở về lưu thông trên Quốc lộ 1 để khỏi phải đóng phí. Ảnh TC

Làm sao để cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận “thoát ế”? 

Theo ông Trần Văn Bon - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được thu phí với mức 2.000 đồng/km, 3.000 đồng/km, 3.500 đồng/km, 4.500 đồng/km và 6.500 đồng/km tương ứng với 5 nhóm phương tiện như sau:

Nhóm 1: Xe ô tô dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng; Nhóm 2: Xe ô tô từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn; Nhóm 3: Xe khách từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn; Nhóm 4: Xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn, xe container 20 feet; Nhóm 5: Xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe container 40 feet.

Với mức phí công bố như nêu trên, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án là 14 năm 8 tháng. So với mức giá tối đa quy định tại Thông tư 28/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải thì mức giá áp dụng thu phí của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thấp hơn. Mức thu phí nêu trên được tạm tính trên tổng mức đầu tư theo kê khai của doanh nghiệp dự án và lưu lượng xe ước tính trên tuyến cao tốc này. Tuy nhiên, sau khi đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán mức đầu tư tại dự án và tính toán chính xác số lượt phương tiện qua cao tốc này thì mức giá thu phí sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Đại diện Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 - Tiền Giang (doanh nghiệp quản lý dự án BOT Cai Lậy) cho biết, đến nay công tác duy tu, sửa chữa đoạn tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 và tuyến tránh Cai Lậy cơ bản hoàn thiện và sẽ bắt đầu tư phí trở lại trong tháng 8 này.

Được biết trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có thông báo mức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ áp dụng thuế suất giá trị giá tăng 8% tại trạm thu phí Km 1999+300 Quốc lộ 1A - tỉnh Tiền Giang và trạm thu phí Km 2+685 tuyến tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đây là 2 trạm thu phí thuộc dự án BOT Cai Lậy.

Theo đó, giá vé thấp nhất là 14.000 đồng/km, cao nhất là 137.000 đồng/km. Miễn phí đối với xe cá nhân của người dân ở 41 xã, phường nằm trong bán kính 10 km quanh trạm thu phí thuộc thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước. Tuy nhiên, đối với xe có kinh doanh nằm trong 41 xã, phường thuộc thị xã Cai Lậy và 3 huyện trên, sẽ áp dụng mức giá đối với xe nhóm 1: 6.000 đồng/xe, nhóm 2: 11.000 đồng/xe, nhóm 3: 14.000 đồng/xe; nhóm 4 24.000 đồng/xe và nhóm 5 là 59.000 đồng/xe.

Dự án BOT Cai Lậy được chia làm hai hợp phần chính, gồm hợp phần đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy và hợp phần tăng cường mặt đường Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Tiền Giang với tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng. Sau khi đưa vào thu phí từ năm 2017, dự án nêu trên đã bị phản đối buộc phải tạm dừng trong nhiều năm.

Theo ý kiến khảo sát từ một số chủ phương tiện, với mức thu phí thấp hơn nhiều so với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nên dù trạm BOT Cai Lậy có hoạt động thu phí trở lại thì họ vẫn chọn đi tuyến này, và như thế khả năng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ tiếp tục "vắng xe" như trong những ngày qua.

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh An Giang, hiện nay từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM và ngược lại đã có được 2 sự lựa chọn: đi đường Quốc lộ 1 hay cao tốc. Việc chọn lựa đi đường nào là quyền của các chủ phương tiện. Tuy nhiên, để có sự điều tiết giao thông hợp lý tránh tình trạng bên này ùn tắc giao thông trong khi bên kia không có người đi thì việc xây dựng mức thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ của 2 tuyến đường này là rất quan trọng. Khi có được mức giá cung cấp dịch vụ hợp lý thì các chủ phương tiện sẽ có sự cân nhắc lựa chọn hợp lý sử dụng dịch vụ, đó là cách điều hành theo quy luật thị trường chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính.

Theo An Hòa (Nhà đầu tư)

Tin khác