Thời của sản phẩm du lịch chân thực

Thứ Ba, 07/02/2023 09:19
Theo nhận định của các chuyên gia, nếu “du lịch bền vững” là khẩu hiệu của hai thập niên đầu thế kỷ XXI, thì “du lịch chân thực” là từ thông dụng của ngành kinh tế xanh hậu Covid-19 và đây không phải là mốt nhất thời.

Du khách sẽ quay trở lại khi môi trường du lịch thân thiện

Du khách sẽ quay trở lại khi môi trường du lịch thân thiện

Tài nguyên văn hóa là “bệ đỡ”

Đánh giá tiềm năng, lợi thế của ngành du lịch Việt Nam, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) dẫn chỉ số phát triển du lịch do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố năm 2021, du lịch Việt Nam đứng thứ 52/119 quốc gia. Trong đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên đứng thứ 24/119 nước, kém các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan. Nhưng tài nguyên văn hóa ở vị trí thứ 25/119, xếp thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Indonesia. “Qua đó, có thể thấy tài nguyên văn hóa của Việt Nam có giá trị rất lớn và là bệ đỡ giúp ngành du lịch phát triển tốt”, ông Hoàng Nhân Chính nhận định.

Theo nghiên cứu mới đây của TAB về đánh giá thương hiệu du lịch Việt Nam, 87% người trả lời đánh giá món ăn và ẩm thực tuyệt vời; 83% lựa chọn Việt Nam có nền văn hóa đậm đà, giàu bản sắc; 62% lựa chọn con người Việt Nam thân thiện, nồng hậu; 54% chọn Việt Nam có những bãi biển đẹp… Điều này chứng tỏ tài nguyên văn hóa của “đất nước hình chữ S” được du khách trong nước và quốc tế rất quan tâm và đánh giá cao.

Du khách đến Việt Nam không chỉ để nhìn, nghe, mà còn muốn được trải nghiệm và sống trong môi trường văn hóa chân thực, cùng tham gia hoạt động với người dân địa phương. Có được những cảm nhận chân thực, du khách sẽ ấn tượng và quay trở lại. Đây không phải mốt nhất thời, do đó người làm du lịch cần có suy nghĩ và cách làm sáng tạo. 

Đồng quan điểm, PGS-TS. Dương Văn Sáu, nguyên Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) bổ sung, lợi thế về vị trí địa lý cũng góp phần tạo vị thế cho tài nguyên văn hóa của Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, do đó dễ dàng kết nối với các điểm đến khác trong khu vực và thế giới.

“Việt Nam nằm ở ngã ba của các nền văn minh trên thế giới, trở thành nơi hội tụ, trung tâm lan tỏa các trị văn hóa, lịch sử. Đó là nguyên liệu tuyệt vời cho du lịch, giúp ngành kinh tế xanh tạo ra được những sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách trong nước và quốc tế”, ông Sáu nhấn mạnh.

Tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, thời gian qua có những địa phương, điểm đến chưa biết cách khai thác tiềm năng, lợi thế, hoặc khai thác không hiệu quả, do không hài hòa được lợi ích của tất cả các bên, từ người dân, doanh nghiệp, địa phương, cơ quan quản lý nhà nước.

Đơn cử, theo ông Hoàng Nhân Chính, gần đây chúng ta nói nhiều đến phát triển du lịch bền vững. Có nghĩa là, du lịch phải góp phần bảo vệ sự bền vững của môi trường tự nhiên, xã hội, văn hóa địa phương và mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, phát triển du lịch sẽ đem tới những tác động xấu, chẳng hạn như ô nhiễm môi trường, câu chuyện thương mại hóa văn hóa... Trưởng ban thư ký TAB cho rằng, phát triển du lịch bền vững cần giảm thiểu được những tác động tiêu cực, phát huy được những tác động tích cực đối với văn hóa bản địa.

Ngoài ra, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, cần sự chung tay, phối hợp của nhiều bộ, ngành, vì thế phải sớm có quy hoạch phát triển du lịch, trong đó có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, người dân để cùng bàn, cùng xây dựng, cùng triển khai với mục tiêu cuối cùng là phát triển ngành kinh tế xanh một cách bền vững, mang lại lợi ích kinh tế bền lâu cho đất nước.

Có cảm nhận chân thực, khách sẽ quay trở lại

Để phát triển du lịch bền vững, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, cần có sự đối thoại và hợp tác giữa các bên liên quan để hiểu suy nghĩ, ý kiến, mong muốn của từng bên. Sau đó, các bên cùng tìm cách tháo gỡ và đưa mục tiêu chung làm sao hài hòa lợi ích. 

Riêng về cách học tập mô hình phát triển du lịch, các địa phương cần dựa trên lợi thế của mình để  phát triển chứ không thể bê nguyên mô hình của địa phương khác. Bên cạnh đó, cần kết nối giữa các địa phương để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch, hành lang du lịch hấp dẫn.

Để tài nguyên du lịch không chỉ ở dạng tiềm ẩn hay bị khai thác không đúng cách, hoặc bị xáo trộn, băm nát, theo ông Dương Văn Sáu, ngoài việc cần có quy hoạch phát triển du lịch tổng thể, khoa học và hợp lý, thì người làm du lịch phải định hướng, tạo ra những làn sóng mới, nhu cầu mới cho khách hàng qua cách làm sản phẩm mang tính dẫn dắt thị trường. Từ đó vừa kích cầu, vừa tăng sức tiêu dùng của du khách. Tức là, người làm du lịch phải kích cầu chứ không chỉ chạy theo nhu cầu.

Ông Dương Văn Sáu cũng đưa ra lý thuyết “ba phải” khi phát triển du lịch, đó là: Phải bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch; Phải giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; Phải phát triển khoa học công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Đi du lịch là thẩm định và trải nghiệm, vì thế nếu sản phẩm na ná nhau sẽ không tạo được sự kích thích trong ngành kinh tế xanh. Do đó, cần tạo ấn tượng và sự khác biệt, phải có kết nối, liên kết giữa các bên liên quan, người làm du lịch cần đạt 8 chữ: sáng tạo, khác biệt, ấn tượng, chất lượng”, ông Sáu lưu ý.

Đại diện TAB đề xuất thêm hai chữ “chân thực”, bởi tính chân thực sẽ giúp trải nghiệm của du khách tốt hơn. Hiện nay, tỷ lệ khách quay lại Việt Nam khoảng 20-30%, nhưng Thái Lan là 70%. Điều đó cho thấy xứ sở chùa vàng có lượng du khách bền vững cao hơn chúng ta và dòng khách này thường có mức chi trả cao. Vì thế, phát triển du lịch làm sao để du khách trở lại nhiều hơn, giúp ngành kinh tế xanh phát triển cả lượng và chất.

Theo Hồ Hạ (Báo Đầu tư)

Tin khác