Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết bộ dự kiến tăng khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không (trần giá vé máy bay) nội địa trung bình 3,75% so với mức hiện hành.
Đánh giá tác động việc điều chỉnh giá trần
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến tháng 12-2022, chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không đã tăng 62,3% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng tới 80,9% so với tháng 9-2015; chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí. Trên cơ sở tác động của chi phí nhiên liệu và tỉ giá, Bộ GTVT dự kiến điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa trong quý II và III/2023.
Trong khi đó, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa góp phần tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thêm khoảng 0,07 điểm %.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết quy định tại Luật Hàng không dân dụng sửa đổi, Luật Giá nêu rõ việc xem xét điều chỉnh khung giá (bao gồm giá trần và giá sàn) dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Đại diện Cục Quản lý giá cũng cho hay tại cuộc họp về công tác điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã giao Bộ GTVT chủ trì, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về việc điều chỉnh giá trần vé máy bay. "Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tác động của các phương án điều chỉnh giá" - lãnh đạo Cục Quản lý giá nói.
Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: PHAN CÔNG
Phía Cục Quản lý giá thông tin đến thời điểm hiện tại chưa nhận được phương án điều chỉnh khung giá chính thức từ Bộ GTVT. Tuy nhiên, khi nhận được phương án, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ GTVT theo thẩm quyền.
Với vai trò phối hợp, Bộ Tài chính sẽ đề nghị Bộ GTVT đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá trần đến kinh tế - xã hội, chỉ số giá tiêu dùng... Đại diện Cục Quản lý giá cũng nhấn mạnh khi xem xét điều chỉnh mức trần khung giá vé máy bay, Bộ GTVT cần phải bảo đảm các nguyên tắc định giá quy định tại pháp luật về giá, đồng thời thận trọng, công khai, minh bạch, tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Tính toán kỹ mức tăng
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nêu quan điểm tăng trần giá vé máy bay là tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Chi phí nhiên liệu tăng cao, nếu giá vé không tăng theo sẽ khiến các hãng hàng không gặp khó khăn do không cân đối được chi phí.
Theo ông Tống, đặc thù của vé máy bay là có nhiều mức giá khác nhau. Khi tăng trần giá vé, sẽ có hành khách phải trả giá cao hơn nhưng cũng có hành khách mua được vé giá rẻ hơn. Các hãng hàng không có điều kiện đa dạng hóa chính sách giá vé và như vậy sẽ có nhiều mức giá linh hoạt với từng đối tượng. Giá vé máy bay được hãng hàng không điều chỉnh linh hoạt ở từng thời điểm khác nhau với các hạng chất lượng dịch vụ khác nhau để có được tổng thu cao nhất. Trên thị trường luôn có những người sẵn sàng trả mức giá cao để được phục vụ với chất lượng dịch vụ cao và ngược lại.
Theo khảo sát, bay cùng cự ly thì giá vé bay quốc tế lại đang rẻ hơn nội địa, liệu có phải do bay quốc tế có cạnh tranh với hãng nước ngoài nên giá rẻ hơn? Trao đổi về điều này, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng giá vé máy bay được ấn định tùy theo mức độ sẵn sàng chi trả của người mua, là sự thỏa thuận giữa khách hàng và hãng hàng không. Khác với hàng hóa thông thường niêm yết giá và mặc cả được, còn mua vé máy bay đến khi mua mới biết giá bao nhiêu.
Giá vé máy bay xét theo phương diện cấu trúc giá vé phức tạp hơn rất nhiều khi phụ thuộc nhiều giá nguyên nhiên liệu, thuê máy bay, nhân lực, biến động tỉ giá, đặc biệt là cân đối cung - cầu… Trong giai đoạn hiện nay, đường bay quốc tế đang ít khách, nếu tăng giá vé thì tổng thu giảm nên hãng hàng không phải cân đối. "Tùy thời điểm mua mức giá khác nhau sẽ có sự chênh lệch về giá. So sánh mức giá bay Tân Sơn Nhất - Nội Bài giai đoạn cao điểm với giá bay quốc tế giai đoạn thấp điểm là không công bằng" - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống lý giải.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá do dịch COVID-19, ngành hàng không thiệt hại lớn. Đồng thời, chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu.
Trong bối cảnh chi phí đầu vào biến động mạnh, các hãng bay chịu sức ép rất lớn từ chi phí giá nhiên liệu tăng cao thì việc tăng trần giá vé máy bay nội địa là phù hợp và cần thiết, cũng là tạo điều kiện để các hãng hàng không tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Trí Long lưu ý mức tăng cần được tính toán kỹ dựa trên sự biến động các yếu tố chi phí đầu vào, hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng, hạn chế mức thấp nhất áp lực cho việc tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Các mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không hiện vẫn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 53/2019 của Bộ GTVT. Tuy nhiên, đợt điều chỉnh khung giá vé máy bay gần nhất là từ tháng 12-2015. |
Có nên bỏ giá trần? Trao đổi về việc doanh nghiệp hàng không nhiều lần đề xuất thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, trong đó yêu cầu bỏ mức trần, PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh việc bỏ giá trần vé máy bay hiện nay chưa thể thực hiện ngay được khi hàng không là lĩnh vực đặc thù, ít doanh nghiệp tham gia nên rất cần nhà nước quản lý và định giá. Theo quy định pháp luật về cạnh tranh, nếu 2 doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên hoặc 3 doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan thì được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường. Thị trường hàng không Việt Nam hiện có 6 hãng đang khai thác là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Tuy nhiên, Vasco và Pacific Airlines là thành viên của Vietnam Airlines, trong khi Vietravel mới gia nhập thị trường. Hiện 3 hãng lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways chiếm khoảng 80% thị phần. Trong đó, riêng đường bay Hà Nội - TP HCM, Vietnam Airlines và Vietjet đã chiếm trên 50% thị phần. "Đối với những thị trường vẫn còn doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường (hay còn gọi là độc quyền nhóm) như thị trường hàng không hiện nay, nhà nước vẫn phải quy định giá trần để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, không thể nói là đường bay có trên 3 hãng là cạnh tranh và không cần giá trần" - ông Long khẳng định. Còn theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, về lâu dài cần tiến tới bỏ trần giá vé máy bay, để thị trường quyết định. Chỉ có cạnh tranh thực sự, hành khách mới được hưởng dịch vụ và giá cả hợp lý. D.Ngọc |
Nóng giá vé dịp lễ 30-4 Còn khoảng 1 tháng nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, hiện vé máy bay tới các thành phố du lịch trọng điểm dịp nghỉ lễ đều đang ở mức cao, nhiều chuyến bay đã thông báo hết vé. Một đại lý vé máy bay tại Hà Nội cho biết nhu cầu đi lại của người dân tăng cao dẫn đến tình trạng khan vé, đây là nguyên nhân chính khiến giá vé máy bay liên tục tăng từng ngày. Càng đến sát ngày nghỉ lễ, giá sẽ càng cao. Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn, cục vừa họp với các hãng hàng không về kế hoạch khai thác tăng cường dịp lễ 30-4, 1-5 và hè sắp tới. Tuy nhiên, hiện chưa có phương án nào được thông qua do tình trạng quá tải hạ tầng sân bay, số khung giờ còn trống để bay không nhiều. Dự kiến từ nay tới đầu tháng 4-2023, cục sẽ tiếp tục làm việc với các hãng hàng không để chốt phương án bay tăng cường dịp cao điểm hè năm 2023. "Qua các cuộc họp, tính toán vẫn chưa nâng được tham số điều phối giờ hạ, cất cánh (slot) vì còn liên quan đến một số yếu tố. Nếu muốn tăng số chuyến bay thì phải nâng tham số điều phối slot, vì như hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu tăng chuyến của các hãng hàng không dịp cao điểm 30-4, 1-5 và hè sắp tới" - ông Sơn cho biết. Trong giai đoạn cao điểm hè năm nay (từ tháng 4 tới hết tháng 8-2023, gồm cả dịp lễ 30-4, 1-5), mỗi ngày sân bay Nội Bài được điều phối 846 slot, trên cơ sở tham số điều phối 37 chuyến bay/giờ vào khung ban ngày từ 6 giờ đến 23 giờ 59 phút và 30 chuyến bay/giờ vào khung ban đêm từ 0 giờ đến 5 giờ 59 phút. Sân bay Tân Sơn Nhất được điều phối 948 slot/ngày, trên cơ sở tham số điều phối 42 chuyến bay/giờ vào khung ban ngày và 32 chuyến bay/giờ vào khung ban đêm. D.Ngọc |