Sửa Luật về xuất nhập cảnh: Chính sách cần phù hợp với thông lệ chung

Thứ Bảy, 27/05/2023 04:02
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút khách quốc tế, góp ý hoàn thiện Dự án Luật về xuất nhập cảnh, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho rằng, chính sách cần phù hợp với thông lệ chung…

Thống kê cho thấy, ngành du lịch đã đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam trước dịch COVID-19 với 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019. Sau thời gian ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, năm 2022, du lịch nước ta đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, không đạt mục tiêu đề ra là 5 triệu lượt. Năm 2023, toàn ngành đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách, tuy nhiên, với hàng loạt các vướng mắc về chính sách xuất nhập cảnh, không ít ý kiến cho rằng, du lịch Việt khó lấy lại được vị thế vốn có…

Ngành Du lịch đã đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam trước dịch COVID-19 với 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019 - Ảnh minh họa

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được đưa ra lấy ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV đem đến nhiều kỳ vọng.

Dự án Luật này gồm 3 Điều, trong đó, Điều 1 sửa đổi 13 Điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; Điều 2 sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Đáng chú ý, việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 và một số khoản của Điều 9 về việc nâng thời hạn thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng (90 ngày) được kỳ vọng sẽ giúp người nước ngoài vào Việt Nam có hoạt động dài hơi hơn, từ đó thu hút khách du lịch, nhà đầu tư vào Việt Nam nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư hơn, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Mặc dù cơ bản nhất trí với các chính sách trong đề nghị xây dựng luật, tuy nhiên, góp ý hoàn thiện Dự án Luật đã nêu, TAB cho rằng, chính sách cần phù hợp với thông lệ chung.

Góp ý hoàn thiện Dự án Luật về xuất, nhập cảnh, TAB cho rằng, chính sách cần phù hợp với thông lệ chung - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, TAB ủng hộ sửa đổi cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ (sửa Điều 19a); sửa đổi thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần (sửa Khoản 2, Điều 9).

Tuy nhiên, về miễn thị thực, TAB đề xuất quy định thời gian chương trình miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước được áp dụng chính sách đơn phương miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn 5 năm và được xem xét gia hạn tiếp tục trước thời điểm hết hạn ít nhất 6 tháng (sửa khoản 2, Điều 13) để các cơ quan, doanh nghiệp và đối tác có thể xây dựng kế hoạch dài hạn phù hợp nhằm khai thác và xúc tiến thị trường tốt hơn.

Mặt khác, để khuyến khích khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam và tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch quốc tế, TAB cho rằng, cần nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu quốc tế cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày và có giá trị nhiều lần (sửa điểm c, khoản 1, Điều 31). Đồng thời, xem xét bổ sung quy định miễn thị thực đơn phương 30 ngày cho khách du lịch tham gia một số loại hình du lịch đặc biệt như: du lịch golf, du lịch bằng máy bay chuyên cơ…, hoặc các sự kiện đặc biệt như tham dự giải đấu thể thao, diễn đàn, hội chợ du lịch cấp quốc gia… (bổ sung khoản 1a, Điều 13).

Theo TAB, hiện nay, xu hướng ngày càng có nhiều khách lẻ, đi du lịch cá nhân. Việc yêu cầu khách du lịch phải có đơn xét duyệt nhân sự xin cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế làm phát sinh thêm dịch vụ visa, gây phiền toái cho khách du lịch quốc tế, nhất là khách lẻ, đi du lịch tự do. Điều này chưa phù hợp với thông lệ chung của quốc tế.

“Nên xem xét cấp thị thực tại cửa khẩu với thời hạn tạm trú 30 ngày và có giá trị một lần trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho cả khách lẻ đi du lịch tự do và khách du lịch đi theo đoàn (bổ sung vào khoản 1 và sửa đổi khoản 3, Điều 18)”, TAB đề xuất.

Bên cạnh đề xuất đã nêu, để thu hút người nước ngoài mua bất động sản là nhà ở tại Việt Nam, người lao động kỹ thuật cao làm việc dài hạn trong ngành Du lịch và người nước ngoài làm việc từ xa (khách du mục kỹ thuật số) vào Việt Nam, TAB cũng đề xuất bổ sung thị thực cấp cho đối tượng là cá nhân nước ngoài mua bất động sản là nhà ở tại Việt Nam, có thời hạn là 5 năm (sửa khoản 6, Điều 9); kéo dài thời hạn cho thị thực (LĐ2) từ không quá 2 năm lên 3 năm; bổ sung thêm loại thị thực dành cho người nước ngoài làm việc từ xa ở Việt Nam (LĐ3) có thời hạn 2 năm (bổ sung Điều 8, Điều 9).

Bên cạnh đó, để loại bỏ hình thức làm dịch vụ visa trá hình nhằm thu lợi bất chính, TAB đề xuất cho phép cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hủy tư cách mời, bảo lãnh người nước ngoài, hủy tài khoản điện tử nếu cơ quan, tổ chức làm dịch vụ visa không thông báo rõ ràng cho khách du lịch quốc tế biết và thu phí dịch vụ cao hơn quy định (bổ sung vào khoản 2, Điều 45; khoản 2, Điều 14 và khoản 7, Điều 16b).

Ngoài ra, để người nước ngoài và các cơ quan, tổ chức biết đầy đủ và kịp thời thông tin về yêu cầu nhập cảnh, cần bổ sung quy định cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm cung cấp thông tin rộng rãi và đầy đủ các quy định nhập cảnh đối với khách quốc tế (bổ sung Điều 47). Trong đó, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật và dễ tiếp cận về các quy định nhập cảnh (bổ sung Điều 48) để đảm bảo quyền lợi của người nước ngoài, dễ dàng tiếp cận thông tin về yêu cầu nhập cảnh vào Việt Nam. Còn cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cần áp dụng giải pháp công nghệ hỗ trợ kiểm soát an ninh tại các sân bay quốc tế để giảm ùn tắc và thời gian chờ đợi của hành khách làm thủ tục nhập xuất cảnh...

Trước đó, cho ý kiến về Dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ cũng bày tỏ cơ bản thống nhất với nội dung nâng thời hạn cấp tạm trú và cho biết quy định liên quan có nhiều cải cách và ưu đãi.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội so với một số nước thì thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực, các nước cũng áp dụng đơn phương miễn thị thực nhiều. Do đó, cần tăng cường thị thực điện tử, gia hạn tăng cường thêm các mốc thời hạn tạm trú và đề nghị cần có lập luận thuyết phục đại biểu Quốc hội.

Ảnh: Quốc Tuấn

Theo Gia Nguyễn (Diễn đàn doanh nghiệp)

Tin khác