Đặc điểm di sản văn hóa Đồng Tháp
Di sản văn hóa Đồng Tháp đa dạng về loại hình vật thể và phi vật thể; di tích lịch sử - văn hóa Đồng Tháp có giá trị nghệ thuật kiến trúc, mang dấu ấn giao lưu văn hóa thế giới, văn hóa tín ngưỡng dân gian, di sản lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh.
Hệ thống di sản văn hóa Đồng Tháp gồm di tích lịch sử - văn hóa, nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt vật chất, tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng của người dân địa phương, di tích lịch sử cách mạng ghi nhận những đóng góp lịch sử của người dân Đồng Tháp.
Văn hóa làng nghề thủ công truyền thống Đồng Tháp được chia thành 3 nhóm làng nghề: làng nghề sản xuất phương tiện đi lại và nông cụ phục vụ sản xuất và đánh bắt thủy sản; làng nghề sản xuất, chế biến hàng hóa sản phẩm nông nghiệp; làng nghề sản xuất dụng cụ sinh hoạt. Trải qua lịch sử phát triển hơn 100 năm, giá trị của những bàn tay tài hoa của nghệ nhân dân gian Đồng Tháp được kết tinh ở trong từng sản phẩm, là sự tôn vinh văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người dân bản địa. Các giá trị này giúp cho nhiều thế hệ tìm đến để khám phá, tìm hiểu trải nghiệm, nơi thu hút các du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch, trải nghiệm đời sống văn hóa bản địa.
Văn học, nghệ thuật biểu diễn của Đồng Tháp có sự giao thoa, tiếp biến văn hóa lẫn nhau giữa các dân tộc cộng cư trong lịch sử phát triển Đồng Tháp, để ngày càng sôi động và phù hợp hơn với sự tiến bộ của xã hội.
Văn hóa ẩm thực của Đồng Tháp mang dấu ấn đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười, mang đậm nét hoang sơ, mộc mạc gắn liền với hương vị của dấu ấn Đồng Tháp Mười.
Tình hình phát triển du lịch văn hóa Đồng Tháp
Đồng Tháp có nhiều khu, điểm du lịch được đầu tư phát triển như: Khu du lịch Xẻo Quýt, Khu du lịch Gáo Giồng, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu du lịch văn hóa Phương Nam, Quần thể di tích Gò Tháp… Tuy nhiên, Du lịch Đồng Tháp còn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa được khai thác và đầu tư phát triển bài bản, có trọng điểm… Các hoạt động du lịch nhìn chung mang tính tự phát, chưa có quy hoạch khảo sát một cách hệ thống; chương trình tham quan còn đơn điệu và chưa hấp dẫn du khách; chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, thiếu tính độc đáo, thường trùng lắp giữa các địa phương trong vùng. Có thể thấy, nguyên nhân của những tồn tại đó là:
Du lịch Đồng Tháp đang thiếu chiến lược phát huy giá trị di sản văn hóa bản địa trong sản phẩm du lịch; các gói dịch vụ còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ trong các gói sản phẩm chỉ ở mức giản đơn; sản phẩm dịch vụ du lịch chưa truyền tải giá trị văn hóa cốt lõi, chưa có tính hấp dẫn.
Hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch văn hóa chưa tương tầm với hệ giá trị tài nguyên du lịch nhân văn, chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp dịch vụ của du khách; dịch vụ trực tiếp trong sản phẩm du lịch chưa chuyên nghiệp, kỹ năng ứng xử trong du lịch văn hóa còn hạn chế.
Cộng đồng xã hội, người dân địa phương chưa nhận thức được giá trị của các gói dịch vụ du lịch văn hóa mà họ có thể tham gia cung cấp trong chuỗi dịch vụ tổng hợp; thiếu các cơ chế thúc đẩy hiệu quả để kết nối cộng đồng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa.
Giáo dục và đào tạo nghề du lịch chưa được quan tâm kết nối với di sản văn hóa địa phương rõ nét, còn nhiều lỗ hổng trong tính liên thông, sự kết nối với cộng đồng văn hóa và chính quyền địa phương.
Một số giải pháp phát triển du lịch văn hóa Đồng Tháp
Một là, tổ chức nghiên cứu và xây dựng nội dung quy trình phát triển các gói di sản văn hóa vào du lịch, hình thành chuỗi cung cấp gói du lịch văn hóa theo lộ trình chất lượng cao và có phân khúc thị trường.
Hai là, xây dựng lộ trình đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch văn hóa theo hướng chuyển giao gói sản phẩm, xây dựng các mô hình gói sản phẩm du lịch văn hóa trọn gói theo chuyên đề, chủ đề di sản mang đậm nét văn hóa bản địa trên từng không gian cụ thể, để hướng đến khuyến dùng, khuyến khích du khách sử dụng các dịch vụ văn hóa.
Ba là, đào tạo và hoàn thiện đội ngũ nguồn nhân lực du lịch, quản lý du lịch chuyên nghiệp trực tiếp cung cấp dịch vụ du lịch văn hóa.
Bốn là, thúc đẩy các cơ chế tạo điều kiện để cộng đồng cùng tham gia phát triển sản phẩm du lịch văn hóa; kết nối và đưa giá trị di sản văn hóa vào hệ thống giáo dục cộng đồng và thanh niên, học sinh, sinh viên địa phương.
Năm là, ứng dụng các phương tiện công nghệ đa truyền thông để thông tin, quảng bá giá trị di sản văn hóa, marketing sản phẩm du lịch văn hóa; tổ chức và xây dựng các mô hình truyền thông chuyên đề di sản, thông tin sản phẩm du lịch văn hóa, xuất bản các ấn phẩm thông tin về giá trị di sản văn hóa Đồng Tháp.
Với đặc điểm và giá trị di sản văn hóa Đồng Tháp, cho thấy Đồng Tháp có nhiều lợi thế so sánh để phát triển du lịch văn hóa, hệ thống di sản văn hóa của vùng đất mang dấu ấn văn hóa bản địa vùng Đồng Tháp Mười. Đây là yếu tố quyết định cho việc xây dựng các gói sản phẩm du lịch có giá trị văn hóa bản địa, đặc thù vùng miền và bền vững.
Mặt khác, ở khía cạnh du lịch quốc tế, sản phẩm du lịch văn hóa là sản phẩm khó cạnh tranh và có tính bền vững, khó thay thế, bởi văn hóa Đồng Tháp nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung có nhiều điều thú vị, nhiều ý nghĩa sâu xa mà rất nhiều khách quốc tế muốn được khám phá và trải nghiệm. Điều quan trọng là chính quyền, cộng đồng, đơn vị cung cấp dịch vụ phải làm sao để bộc lộ được cốt cách, bản sắc của mình nhằm tiếp cận được khách hàng. Đây cũng là cách để thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Đồng Tháp hiệu quả.
Tài liệu tham khảo 1. Trần Thúy Anh (2011), Giáo trình du lịch văn hóa - Những vấn đề lý luận và nghiệp vụ, NBX Giáo dục, Hà Nội. 2. Nguyễn Văn Lưu (2013), “Xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch”, NXB VHTT. 3. Nguyễn Trọng Minh (2015), Báo cáo tổng kết đề tài NCKH tỉnh Đồng Tháp “Nhận diện và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp theo hướng bền vững”. 4. UBND tỉnh Đồng Tháp (2015), “Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp 2015 - 2020”… |
TS. Nguyễn Trọng Minh