Nơi đây cũng là nơi tập trung sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc ít người mang các sắc màu văn hoá khác nhau, đa dạng về bản sắc và cá tính độc đáo.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các địa phương trong vùng còn gặp nhiều thách thức, khó khăn trong việc xây dựng sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm đặc thù nói riêng trên cơ sở khai thác các giá trị văn hoá của địa phương.
Nhiều khu du lịch, điểm du lịch văn hoá chưa được đầu tư đúng tầm dẫn đến chất lượng sản phẩm du lịch thiếu sức hút. Nhiều chương trình du lịch văn hoá còn đơn điệu và trùng lặp, dịch vụ du lịch chất lượng thấp, ít hấp dẫn...
Toàn cảnh hội thảo khoa học “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - khơi nguồn và phát triển”. |
Tại hội thảo khoa học “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - khơi nguồn và phát triển”, GS-TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho rằng, vùng Đông Bắc hội tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc rất phong phú. Ở đó, mỗi miền quê đều có những nét riêng rất độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.
“Với những lợi thế như vậy, để phát triển du lịch, theo tôi, chúng ta nên làm tất cả để có thể tạo dựng được ra một con đường du lịch di sản văn hóa miền Đông Bắc, cái đó sẽ được thế giới công nhận và trở thành niềm tự hào của dân tộc. Để làm được điều này thì bên cạnh việc duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, vì nếu không có sẽ không thể phát huy được những giá trị, bản sắc văn hóa đang sẵn có và qua đó mới đảm bảo được thương hiệu du lịch cho Việt Nam”, GS-TS Đào Mạnh Hùng phân tích.
Các tỉnh trong vùng Đông Bắc cần có cơ chế chính sách trong bảo tồn, phát huy giá trị tài ngu |
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng giải pháp cần ưu tiên trước mắt đó là về đầu tư hạ tầng, kết nối các khu, điểm du lịch, đặc biệt là kết nối tới các bản làng có tiềm năng nhưng còn nhiều khó khăn. Bởi du lịch cộng đồng hiện nay là một xu thế đang phát triển trên thế giới mà các tỉnh Đông Bắc lại có nhiều tiềm năng rất lớn.
"Vì vậy, chúng ta cần tập trung ưu tiên cho nguồn lực này, bên cạnh đầu tư hạ tầng kết nối thì cần đầu tư hỗ trợ cho đồng bào. Đây là giải pháp căn cốt để tạo ra các sản phẩm du lịch nhanh, hấp dẫn, giúp bà con nâng cao đời sống và đó cũng là cách bảo tồn văn hóa dân tộc tốt nhất”, TS Nguyễn Anh Tuấn nói.
Cùng với đó, TS Tuấn cho rằng, cần quy hoạch không gian phát triển du lịch, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng các tuyến du lịch đi qua 6 tỉnh Việt Bắc và mang tính liên vùng như “Qua miền di sản Tây – Đông Bắc” kết nối 7 tỉnh Đông Bắc với 7 tỉnh Tây Bắc, với một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, doanh nghiệp làm du lịch đều thống nhất cho rằng, các tỉnh trong vùng Đông Bắc cần có cơ chế chính sách trong bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên du lịch văn hóa; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch có tính khả thi nhằm kêu gọi các dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.
Đặc biệt, các địa phương phải liên kết trong phát triển du lịch văn hóa, xây dựng sản phẩm đặc trưng để không bị trùng lặp, có chất lượng cao, tạo thế cạnh tranh và tạo thương hiệu cho toàn vùng...