Làng Nglanggeran có khoảng 700 người đang sinh sống. Hầu hết họ là nông dân và chủ trang trại, nhưng ngoài đời sống nông nghiệp, những người dân làng này có chung một sứ mệnh chung: phát triển du lịch cộng đồng.
Một góc Nglanggeran và núi lửa Gunung Api Purba nhìn từ trên cao |
Trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo
Viên ngọc quý của Nglanggeran là Gunung Api Purba, một ngọn núi lửa cổ xưa hoạt động cách đây khoảng 60-70 triệu năm. Ở độ cao 700m so với mực nước biển, ngọn núi lửa được bao phủ bởi những khối đá khổng lồ và bầu không khí mang màu sắc huyền bí. Thời gian để đi bộ đến đỉnh núi khoảng 1 tiếng rưỡi.
Theo truyền thuyết, ngọn núi lửa từng là nơi trừng phạt những dân làng làm hỏng "wayang", hay những con rối bóng do một nghệ sĩ múa rối được mời đến làng để ăn mừng mùa màng.
Nglanggeran ở Yogyakarta cũng là nơi du khách có thể thưởng thức văn hóa Java một cách trọn vẹn nhất. Yogyakarta, thủ phủ của đặc khu Yogyakarta ở phía nam đảo Java, mang đến hương vị văn hóa truyền thống của người Java, nhóm dân tộc lớn nhất ở Indonesia với hơn 100 triệu người.
Nhà nghỉ kiểu Java ở Nglanggeran, Indonesia - Ảnh: Korea Times |
Khi tham gia bữa tiệc tối truyền thống được gọi là "kendurian", khách du lịch có thể thưởng thức những món ăn ngon của ẩm thực Java, hòa lẫn cùng dân làng trong bộ trang phục truyền thống "batik".
Bữa tiệc tối thường có thịt gà, cơm, trứng và rau tươi, được dọn trên lá chuối. Du khách có thể yêu cầu muỗng nếu muốn. Nhưng nếu muốn ăn như người dân địa phương, họ có thể dùng tay.
Lớp học nấu ăn là một lựa chọn thú vị cho những ai muốn tìm hiểu sâu về văn hóa ẩm thực của Yogyakarta. Du khách có thể trải nghiệm làm 3 loại món tráng miệng truyền thống khác nhau được làm từ sắn, một loại thực phẩm chủ yếu ở Indonesia. Tất cả đều là những món ăn đặc trưng, mang dấu ấn văn hóa ẩm thực bản địa và đầy sức kích thích vị giác.
Âm nhạc cũng là một phần không thể tách rời của văn hóa Java. Ở Nglanggeran, du khách có thể thưởng thức "karawitan", loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống do các nhạc sĩ địa phương biểu diễn. Các nhạc cụ truyền thống như được sử dụng là cồng chiêng và một số nhạc cụ khác.
Đối với người dân Nglanggeran, quảng bá giọng hát mang tính biểu tượng của họ là một trong những sứ mệnh lớn nhất của họ. Trong vài năm qua, người dân nơi đây đã cố gắng cung cấp nhiều thông tin về cảnh quan thiên nhiên đầy cảm hứng để thu hút nhiều khách du lịch hơn.
Tham gia vào nghề thủ công lá "janur" là một điều thú vị khác của chuyến tham quan. Mặc dù việc làm một con châu chấu từ lá dừa không phải đơn giản, nhưng khi hoàn thành, bạn sẽ có những kỷ niệm và kỷ vật độc đáo.
Rất nhiều ca cao được trồng ở Nglanggeran. Sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ được gửi đến Griya Coklat, nhà máy sô cô la của làng. Ở đây, hạt ca cao sẽ được chế biến thành nhiều loại mặt hàng như bánh quy sô cô la và bột sô cô la dùng cho spa - một trong những dịch vụ spa đặc biệt, mang dấu ấn địa phương ở Nglanggeran.
Ngoài ca cao, Nglanggeran còn có một sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng khác là sầu riêng.
Sống cùng với người dân Nglanggeran tại các nhà lưu trú của dân bản địa mang lại cảm giác thú vị, hệt như du khách đã trở thành một phần của làng nông thôn tuyệt đẹp này. Làng du lịch Nglanggeran có khoảng 80 nhà dân, với các gói dịch vụ du lịch kết hợp. Du khách có thể trải nghiệm tìm hiểu hệ thực vật, chế biến sô cô la, batik bằng gỗ, batik vẽ tay, spa sinh thái, tìm hiểu về tatakrama (unggah-ungguh: một loại hình nghệ thuật, cách cư xử truyền thống của người dân Nglanggeran).
Một bữa ăn địa phương do dân làng ở Nglanggeran, Indonesia chế biến - Ảnh: Korea Times |
Thách thức phía trước
Nglanggeran đã được Tổ chức Du lịch Thế giới Liên hiệp quốc (UN WTO) vinh danh là một trong những Làng du lịch tốt nhất vào năm 2021, trở thành địa điểm duy nhất của Indonesia được cơ quan Liên hiệp quốc công nhận vào năm đó.
Đánh giá này của UN WTO dựa trên 9 tiêu chí bao gồm: tài nguyên văn hóa và thiên nhiên; sự bền vững về kinh tế; môi trường bền vững; quản trị và ưu tiên du lịch; và sức khỏe, an toàn và an ninh.
Dù vậy, Nglanggeran vẫn đang phải đối mặt với những thách thức trong việc trở thành một điểm đến mang tính toàn cầu. Một trong những mục tiêu chính của ngôi làng là nâng cao vị thế quốc tế của mình để thu hút nhiều du khách quốc tế hơn nữa.
Để đạt được điều này, vượt qua rào cản ngôn ngữ là một thách thức không nhỏ. Mặc dù dân làng Nglanggeran thân thiện và dễ gần nhưng không dễ để những người không biết ngôn ngữ Indonesia trò chuyện nếu không có thông dịch viên. Hầu hết các biển hiệu ở Nglanggeran cũng chỉ được viết bằng tiếng Indonesia, điều này khiến khách du lịch nước ngoài có thể gặp khó khăn, thậm chí bị lạc khi đi dạo quanh làng.
Hoàng hôn ở Nglanggeran, Indonesia - Ảnh: Korea Times |
Hiểu được tầm quan trọng của việc phá bỏ rào cản ngôn ngữ, người dân trong làng và các bên liên quan dự định sẽ dành nhiều thời gian, công sức cho việc học tập ngôn ngữ mới. Điều này được xem là mộttrong những bước ngoặt của làng Nglanggeran.