Hiện cả nước có hơn 190 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 65 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp và trung tâm đào tạo nghề… Hàng năm, những cơ sở này không cung cấp đủ lao động theo nhu cầu của thị trường du lịch. Theo ước tính, mỗi năm, ngành du lịch Việt Nam cần tới 40.000 lao động, nhưng thực tế, nguồn cung chỉ đảm bảo được khoảng 20.000 người.
Trong số này, lao động có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 9,7%; sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm hơn 50%; dưới sơ cấp chiếm 39,3% và chỉ có 43% tổng số lao động được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch.
![]() |
Trong tuyển dụng nhân lực du lịch, “đầu vào” của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào “đầu ra” của các cơ sở đào tạo. |
Tại Hội nghị "Đào tạo thực hành đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay”, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch nhận định, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Trong tuyển dụng nhân lực du lịch, “đầu vào” của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào “đầu ra” của các cơ sở đào tạo. Muốn có nhân lực đạt chất lượng cao, yêu cầu tiên quyết là cần có đội ngũ lao động được đào tạo bài bản, đạt các cấp bậc trình độ chuẩn quốc tế, đủ khả năng làm việc ở cả môi trường doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông cũng cho biết, nhiều mô hình mới đã và đang được triển khai như “trường học trong khách sạn” hay “vườn ươm tài năng du lịch” giúp sinh viên tiếp xúc sớm với môi trường làm việc thực tế.
Bên cạnh đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo cũng là một hướng đi được nhiều trường áp dụng, giúp tối ưu hóa việc giảng dạy ngoại ngữ, xây dựng mô hình thực hành ảo và nâng cao trải nghiệm học tập cho sinh viên.
![]() |
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch. |
Trong bối cảnh ngành Du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, chất lượng nhân lực sẽ là yếu tố quyết định khả năng bứt phá. Việc chú trọng đào tạo thực hành, gắn kết với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ và quốc tế hóa chương trình là những hướng đi tất yếu.
Bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, trong ngành du lịch, lao động phổ thông không thiếu và không khó để bổ sung, nhưng Việt Nam thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao, thiếu những quản lý cao cấp, có kỹ năng, ngoại ngữ tốt... Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với việc thu hút và giữ chân nhân sự giỏi.
"Du lịch Việt Nam không thiếu lao động phổ thông, thậm chí có thể thừa, nhưng thiếu trầm trọng người quản lý giỏi, lao động có kỹ năng chuyên môn cao, ngoại ngữ tốt, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế” - bà Xoan khẳng định.
Vì vậy, bà Đỗ Thị Hồng Xoan nhấn mạnh vai trò của đào tạo gắn liền với thực tế. “Lao động Việt Nam hoàn toàn có năng lực cạnh tranh nếu được đào tạo bài bản. Các chương trình đào tạo cần phải gắn liền với thực tiễn phát triển của ngành hơn nữa để giúp sinh viên 'học nghề là ra làm nghề được'”, bà Đỗ Thị Hồng Xoan cho biết.
Ngành Du lịch Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhưng để thực sự vươn ra thế giới và duy trì sự phát triển bền vững, đầu tư vào con người - những người trực tiếp làm nên sự thành công của Ngành.