Bản du lịch Nà Sự nằm trên quốc lộ 4H, dọc trục đường thuộc tuyến Mường Nhé - Điện Biên Phủ, cách Trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 120km hướng Tây Bắc. Điểm nhấn của du lịch cộng Nà Sự được hình thành từ một bản người dân tộc Thái (ngành Thái trắng lâu đời ở Nà Sự). Bản gồm 139 hộ, gần 600 nhân khẩu. Bản Nà Sự mặc dù đã phát triển nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống văn hóa Thái - ngành Thái trắng, từ ẩm thực, trang phục của đồng bào, tập quá sinh hoạt được lưu truyền trong mỗi gia đình cho đến những bản sắc cộng đồng như: dân ca, dân vũ, đời sống tâm linh…
Cọn nước được bà con dân bản phục dựng tại suối Nậm Bai, bản Nà Sự
Đến bản Nà Sự ngày này, chúng tôi dễ dàng nhận thấy toàn bộ con đường xếp đá cuội vào bản, đường ra suối, đường từ nhà này sang nhà khác tại Nà Sự được bà con lấy đá cuội từ suối xếp bằng phẳng.
Ông Khoảng Văn Van Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa, cho biết: Con đường đá cuội và điện đường, khuôn viên… được bà con dân bản hoàn thiện trong 6 ngày. Đây là sự nỗ lự lớn của cộng đồng là đồng bào dân tộc Thái ở bản Nà Sự với sự ủng hộ, tham gia của đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, chính quyền xã Chà Nưa.
Để Nà Sự thêm thơ mộng, toàn bản chôn hàng điện chạy dọc theo con đường ra suối, con đường vào bản dài khoảng 300 - 400m được đục từ gỗ, cao khoảng 60cm đủ để ánh điện hắt sáng lên con đường đá. Hàng rào làm bằng tre đan, tạo khuôn viên an toàn, thân thiện với môi trường. Dọc suối Nậm Bai của bản các cọn nước được phục dựng tạo thêm không gian thường thức cho du khách và cũng là nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tây Bắc nói chung của Nà Sự nói riêng.
Đoàn thanh niên và bà con bản xếp đá làm đường
Ông Van cho biết thêm: Đây là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn huyện. Chúng tôi đã rất nỗ lực cùng với một số chuyên gia hướng dẫn bà con xây dựng điểm du lịch cộng đồng chuẩn ASEAN. Toàn bộ những vật dụng được làm hoàn toàn bằng vật liệu có tại địa phương, được chính những bàn tay của bà con dân bản tạo thành. Không riêng về cơ sở vật chất mà đến những món ăn cũng phải làm từ chính sản vật của nhà, của rừng có tại địa phương. Có thể nói, du lịch cộng đồng Nà Sự hướng đến sự thân thiện môi trường. Du khách được trải nghiệm đời sống tinh thần, đời sống văn hóa của bà con dân tộc Thái tại bản Nà Sự một cách chân thực nhất.
Điểm du lịch cộng đồng Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên)
Tới đây, chúng tôi sẽ trồng thêm khoảng 50 cây dừa nước chạy dọc theo suối Nậm Bai. Đây là điểm nhấn của bản, nên chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện ngay trong 1, 2 năm tới. Bên cạnh đó, chúng tôi vận động bà con chuyển đổi toàn bộ đất nương sườn núi phía sau bản Nà Sự để trồng cây ăn quả. Bà con dân bản cũng sẽ phải đưa toàn bộ trâu bò, vật nuôi ra khỏi khu nhà ở, gần nhà dân và cho các hộ đăng ký mô hình Homestay. Chúng tôi cũng rất thuận lợi khi triển khai mô hình này có sự tham gia vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các hội, đoàn và bà con dân bản. Đặc biệt là đồng chí Bí thư huyện ủy, huyện Nậm Pồ. - Ông Van nói.
Khung cảnh buổi tối tại Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ
Việc xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng tại bản Nà Sự, huyện Nậm Pồ không chỉ làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại bản Nà Sự mà còn là một mô hình du lịch xanh, thân thiện môi trường chứa yêu cầu mô hình du lịch của ASEAN, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế-xã hội của huyện. Đây hứa hẹn sẽ là điểm dừng chân lý thú, hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá A Pa Chải dài (280km) tại huyện lân cận là Mường Nhé.