Công ty Quản lý bay miền Nam - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho rằng, hiện các yếu tố ảnh hưởng lớn tới hoạt động bay, khiến chuyến bay bị trì hoãn (chậm, huỷ chuyến) cả trên không lẫn dưới đất, như: Thời tiết , hoạt động quân sự, cơ sở hạ tầng, việc tuân thủ các quy trình của hãng hàng không…
Tại sân bay Tân Sơn Nhất , có sự chênh lệch giữa phân bổ giờ cất/hạ cánh của Cục Hàng không và thực tế khai thác trong một số khung giờ. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này do ảnh hưởng thời tiết cực đoan, không đạt điều kiện khai thác an toàn. Các máy bay sẽ phải chậm giờ tại sân bay đi, sân bay đến và trên không.
Ngoài ra, cấu hình sân đỗ máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng ảnh hưởng đến việc điều hành máy bay lăn về vị trí đỗ cũng như lăn ra vị trí cất cánh, thời gian lăn kéo dài dẫn tới giờ cất/hạ cánh bị sai lệch, chậm so với kế hoạch.
Cụ thể, các chuyến bay bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở các vị trí đỗ số 17 - 22 (ống lồng), vị trí đỗ từ 23 - 28 và 41 - 46 được bố trí theo hình xương cá, những vị trí này thường bị ách tắc. Đặc biệt, do thiết kế cấu hình xương cá, nên mỗi lần chỉ có 1 máy bay ra hoặc vào, gây nhiều trở ngại cho kiểm soát viên không lưu và phi công.
Thống kê từ ngày 5-11/6 cho thấy, trung bình sân bay Tân Sơn Nhất khai thác 736 lượt chuyến bay cất/hạ cánh mỗi ngày. Trong đó, có 36% số chuyến bay thực tế thời gian vượt dự báo (chậm giờ so với kế hoạch), cao điểm lên tới 45 chuyến bay mỗi giờ bị ảnh hưởng như trên. Điển hình ngày 8/6, có 12 khung giờ xảy ra tình trạng điều hành chuyến bay bị cao hơn so với dự báo (trễ giờ).
Tổng công ty Cảng hàng không cũng ghi nhận, cấu trúc hệ thống đường lăn, sân đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến việc di chuyển, lăn ra/vào của các máy bay từ nhà ga, sân đỗ ra đường băng và ngược lại gặp không ít khó khăn. Phần lớn vị trí đỗ máy bay nằm sát nhau, theo dạng xương cá hai bên đường lăn, các đường lăn chính chủ yếu “độc đạo”.
Trên đường lăn chỉ 1 máy bay ra hoặc vào, máy bay lăn ngược chiều buộc phải 1 chiếc dừng chờ ở ngã ba, ngã tư giữa các đường lăn. Khi có máy bay trên đường lăn, máy bay đã xếp khách, sắp tới giờ khởi hành cũng phải chờ tại vị trí đỗ để máy bay khác thoát khỏi đường lăn. Thiết kế trên do diện tích chật hẹp của sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi nhu cầu khai thác lại lớn nhất cả nước.
Để gỡ vướng mắc trên, cùng với xây dựng nhà ga T3, sẽ có thêm một số vị trí đỗ máy bay được bố trí thêm ở khu vực này, giúp tăng vị trí đỗ và khả năng lưu thông cho máy bay, góp phần giảm tải vị trí đỗ máy bay cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Về lý do thời tiết, tối 22/6 vừa qua, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã xảy ra mưa mạnh kèm dông, gió giật mạnh, tầm nhìn giảm. Dẫn tới có 29 chuyến bay chờ, 7 chuyến phải chuyển hướng đi sân bay dự bị và 1 chuyến quay lại sân bay khởi hành.
Tháng 6, 7 hằng năm là đầu mùa mưa trên cả nước, do đầu mùa nên thường đi kèm thời tiết cực đoan, như mưa to, gió mạnh, tác động bất lợi tới hoạt động bay, đặc biệt sân bay nhiều chuyến như Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Cộng thêm cao điểm hè, số lượng chuyến bay nhiều, nên mức độ ảnh hưởng càng lớn.
Ngoài 2 lý do kể trên, các chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất có tỷ lệ chậm chuyến, sai giờ cao cũng có nguyên nhân từ các hãng hàng không, đặc biệt mỗi dịp cao điểm. Vì lý do này, mới đây, Cục Hàng không đã có văn bản gửi các đơn vị quản lý khai thác sân bay, các hãng hàng không về nâng cao tỷ lệ sử dụng đúng giờ cất/hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Cơ quan này chỉ rõ, cao điểm hè, các hãng tăng cường khai thác bay nội địa, đặc biệt sân bay Tân Sơn Nhất số lượng chuyến bay tăng 10-15% so với tháng 5, với khoảng 750 chuyến cất/hạ cánh mỗi ngày. Đi kèm với lượng chuyến bay tăng, số chuyến bay chậm, sai giờ được xác nhận cũng tăng, có hãng bay sai giờ tới hơn 20% số chuyến bay đã đăng ký. Điều này đã ảnh hưởng tới tình hình khai thác chung của sân bay và các hãng khác.