Đó là câu hỏi đặt ra tại tọa đàm "Phát huy vai trò của truyền thông trong chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam do Hội Nhà báo TP.HCM và Sở Du lịch TP kết hợp với Hiệp Hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 2/6.
Điểm đến an toàn hay I love Việt Nam
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, nếu dùng slogan "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" thì chủ đề không mới, thậm chí dễ trùng với "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam". Ông Kỳ đề xuất nên dùng slogan "I love Việt Nam" với hình quả tim - hiệu quả truyền thông mạnh mẽ hơn.
"Chúng ta quên truyền thông "Việt Nam tôi an toàn" mà thực ra, thời gian qua, Việt Nam kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt, vậy tại sao lại không đẩy mạnh tuyên truyền Việt Nam - điểm đến an toàn đối với du khách?", ông Kỳ nhấn mạnh.
Không riêng gì ông Kỳ, nhiều giám đốc công ty du lịch cũng băn khoăn: Doanh nghiệp nhỏ lẻ đang bị bỏ lại, Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp này. Có 3 mũi nhọn: Nông nghiệp, kinh tế số, kinh tế du lịch. Nông nghiệp có nhiều chính sách tiết chế đến tận cửa cho nông dân. Nhà nước tạo ra giá bán tour hợp lý, lưu trú được giảm giá điện tháng 4,5,6. Riêng thiết chế ngành du lịch chưa có.
Ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM cho biết, dịch bệnh vừa qua tác động rất lớn đến các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch. Để vực dậy ngành du lịch, các ngành cần phối hợp tìm ra giải pháp, đặc biệt đẩy mạnh truyền thông.
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, do tình hình dịch Covid-19, Thái Lan mất 53 tỷ USD so với doanh thu 2019, du lịch chỉ đạt 40%. Việt Nam đón khách Trung Quốc là đa số, chiếm 75%, do đó cũng thất thu vì dịch bệnh.
"Quý 1 chúng ta đón 3,6 triệu khách quốc tế, lượng khách nội địa đạt 13 triệu, coi như chúng ta mất 2-3 tỷ USD vì dự kiến đón 4,5 triệu khách quốc tế. Dịch kết thúc, từ 30/6, dự tính nếu làm tốt sẽ đón 5,5 triệu khách, 30/9 đón được 4,6 triệu khách, đến 31/12 đón được 3,7 triệu khách, thì tổng cộng cũng chỉ đạt 13,8 triệu khách, đúng bằng con số quý 1!.
Hiện đã có 80 doanh nghiệp ngưng hoạt động, nếu 30/6 mở cửa không đẩy lên thì có 330 doanh nghiệp vừa và nhỏ ngưng hoạt động. Dòng khách sạn 5 sao mà giảm giá 50USD/đêm thì hỏi khách sạn 2,3 sao làm sao chịu nổi?", ông Thọ phân tích. Tuy nhiên, để có khách trở lại, các doanh nghiệp tiếp tục chịu lỗ, lấy giá thấp nhất đủ để trang trải một phần chi phí.
Còn bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thì cho rằng dù khống chế được Covid-19, song vẫn chưa thực sự chiến thắng, không nên ngủ quên trên lưng ngựa. Cần thiết giám sát chặt lữ khách với giải pháp đồng bộ thông qua công nghệ, nắm chặt thông tin hành khách trước khi vào tour trong giai đoạn hiện nay, để giúp ngành y tế đễ dàng có biện pháp bao vây, truy vết xử lý, tiếp tục chú ý vệ sinh cá nhân, vệ sinh khách sạn.
Kích cầu du lịch từ nhiều phía
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhấn mạnh, doanh nghiệp có sức sống trở lại mới giúp ngành du lịch hồi phục. Ngoài chính sách từ Nhà nước hỗ trợ du lịch, còn cần đẩy mạnh truyền thông, chẳng hạn, Sở Du lịch phát động chiến dịch "Hello, Hochiminh City", nhằm giới thiệu thành phố an toàn, quảng bá sản phẩm mới trước kia từng khai thác, như tour theo dấu chân biệt động Sài Gòn, tour sinh thái.
"Bên cạnh đó, sắp tới, chúng tôi kết nối doanh nghiệp để kết hợp quảng bá trên google, sử dụng digital marketing (tiếp thị trực tuyến), miễn phí các kênh cùa google kết nối với quốc tế", bà Thúy cho biết.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao động thì cho rằng, truyền thông đóng vai trò quan trọng, cần có sự tác động của truyền thông để các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước đến nhanh với doanh nghiệp, cụ thể như chính sách giãn thuế… Khai thác các tour du lịch theo từng đối tượng, ví dụ học sinh, thành phố có hơn 2 triệu học sinh, khai thác tour đến các điểm đến lịch sử để các em có trải nghiệm thực tế, giống Nhật Bản từng làm.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Saigontourist, cam kết giảm giá tour nhưng đảm bảo về mặt chất lượng, bán dưới giá thành, bán lỗ để kích cầu du lịch. Theo ông, nên mở lối tiên phong, trong ngành du lịch chọn du lịch nội địa, phát động chương trình "Người Sài Gòn đi du lịch Sài Gòn".
Còn theo ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, đây là cơ hội để các cơ quan, doanh nghiệp làm du lịch nội địa, khi công suất của máy bay đang tăng lên từng ngày, khai thác 200 máy bay, còn 100 máy bay chờ ngành du lịch. Tổng công ty chủ động kết nối với ngành du lịch, trong 1 tuần mở thêm 6 chuyến bay mới để phục vụ đi lại. Chọn thị trường Trung Quốc, Nhật Bản… để từng bước khai thông thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả để du khách trong và ngoài nước an toàn, an tâm đi du lịch