Khám phá làn điệu dân ca của người Ca Dong

Thứ Tư, 09/10/2019 11:17
Dưới chân núi Ngọc Linh (cao khoảng 1.325m so với mực nước biển), hai huyện vùng cao Bắc và Nam Trà My (Quảng Nam) là vùng đất sinh sống lâu đời của tộc người Ca Dong (nhóm địa phương thuộc dân tộc Xê Đăng). Là một trong số ít các dân tộc thiểu số ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, sinh sống ẩn sau những ngọn núi cao trong không gian bao la của đại ngàn ấy, người Ca Dong luôn ấp ủ một ước mơ cháy bỏng là được gìn giữ và lưu truyền những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình…


Những phụ nữ Ca Dong, với làn điệu dân ca đê ôdê chia sẻ niềm vui trong lao động, sản xuất

Tìm hiểu về loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này, chúng tôi được già làng Hồ Văn Dinh (89 tuổi), người dân tộc Ca Dong am hiểu tường tận văn hóa truyền thống dân tộc mình hiện đang sống tại thôn 3, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết: Những làn điệu dân ca: ra nghế, ca lêu, plét, a hội, dê ôdê, đến làn điệu k’cheo truyền thống của người Ca Dong ra đời từ trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt đời sống thường ngày thể hiện tâm tư, tình cảm của người Ca Dong và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi để dân làng no cái bụng, sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, núi rừng. Người Ca Dong luôn có ý thức gìn giữ làn điệu và họ có thể hát vào bất cứ thời gian nào và bất cứ ở đâu, khi lên rẫy, trong những ngày lễ hội ăn trâu, Tết, cưới xin, hội tụ gia đình, vui chơi, giải trí, hát khi ru em bé ngủ, trai gái Ca Dong hát tỏ tình với nhau trong những cánh rừng già nguyên sinh... "Hôm nay lễ hội ká-pêê-nau thật vui/ Là người Ca Dong hãy về đây vui chơi cùng nhau trong hội mừng lúa mới/ Lúa ơi ta gieo hạt giống xuống đất/ Lúa hãy cho gốc to/ Góc đều nhiều hạt/ Để năm nay mùa màng được hạt/ Lúa cho người Ca Dong đủ ăn đủ dùng hơ…hơ”.

Vào những buổi chiều sắp tắt nắng, mặt trời lặn dần về bên kia núi hay trong những đêm trăng sáng khắp núi rừng, cũng là lúc chàng trai Ca Dong khơi tiếng chiêng h'len tấu lên khi trầm hùng, như tiếng của đại ngàn âm u huyền bí, khi thì trong trẻo, thanh thoát như tiếng suối chảy róc rách nơi suối nguồn. Chàng trai và cô gái bắt đầu hát a hội với nhau. “Hỡi em gái xinh xinh ơi/ Em ngồi bên suối nhớ ai/ Đôi chân em đẹp như quả chuối vàng/ Đôi tay em đẹp như búp măng rừng/ Anh ngắm em mà lòng không chán”Và rồi, với chất giọng mộc mạc, lúc trầm, lúc bổng, khi da diết mời gọi, người con gái Ca Dong đã trót đem lòng thương đã không dấu được nổi lòng mình qua không gian núi rừng rất tự nhiên: “Em đang ở trên con dốc núi cao đợi anh dẫn bước/ Em đang ở bên con suối lớn nước chảy xiết chờ anh cõng qua”.


Khi yêu nhau, trai gái Ca Dong tỏ lời trìu mến qua làn điệu dân ca a hội trữ tình mà nên duyên vợ chồng

Đó là những lời yêu thương của những chàng trai, cô gái Ca Dong dành tặng cho nhau. Bắt đầu từ ngày hôm đó, chàng trai và cô con gái về báo với cha mẹ mình đã tìm được người thương. Và cũng từ ngày mai, chàng trai và cô con gái đó qua lại hai bên gia đình giúp phát rẫy tỉa lúa, săn bắt, hái nấm, bẻ măng, xuống suối bắt cá… cùng chờ đợi ngày vui hạnh phúc.”Tôi ở vùng này, tôi sẽ đi bắt chồng ở làng khác/ Một là bắt chồng ở Trà My/ Hai là bắt chồng ở Trà Vân/ Dù mẹ có một đứa con vẫn thả mẹ/ Dù cha có một mình con vẫn thả cha/ Tôi đã theo chồng ở vùng Trà My không thể thả chồng/ Tôi đã theo chồng ở vùng Trà Vân không được thả chồng/ Hai đứa không bỏ nhau”

Và đến lúc nào đó, người con gái Ca Dong lại mượn hình ảnh của làn điệu plét khá độc đáo, để bày tỏ lòng mình. “Ta về ở vùng xa lạ quay đằng sau không có anh em/ Không có bà con làng xóm/ Trong khi đau ốm không có ai trông coi”. Mới chỉ nghe, người chồng Ca Dong cũng đã phần nào hiểu được tâm trạng của người vợ mình đi lấy chồng xa, và còn hơn một tâm trạng, đó là tâm trạng lẻ loi của người vợ khi tự tách mình ra khỏi bản làng, làm sao không cảm thấy bơ vơ.”Em đừng quay mặt đi/ Vắng em vầng trăng sẽ không sáng ngời/ Không có con sóc nào ngó đến/ Em đừng bước ra khỏi làng mà đi/ Vắng em dòng suối không còn chảy/ Vắng em không có ngọn gió nào thổi qua”.

Già làng Hồ Văn Dinh cho biết thêm: Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, đồng bào Ca Dong ở núi rừng Trà My (Quảng Nam) đã lấy họ Bác Hồ đặt họ cho dân tộc mình. Hiểu rõ bộ mặt xâm lược của kẻ thù, đồng bào Ca Dong một lòng theo Đảng, Bác Hồ, cùng nhau đoàn kết, đồng tâm hiệp lực để đánh giặc, giữ làng giành lại độc lập cho quê hương và trong hoàn cảnh đó lời dân ca k’cheo truyền thống của người Ca Dong lại vang lên.”Là người Ca Dong ta cùng đồng tâm tay nắm tay nhau/ Là người Ca Dong đừng tách rời chiến đấu với hòa bình/ Kinh với Thượng yêu thương cùng nhau/ Lũ giặc Mỹ gieo bao đau thương/ Người Ca Dong ta quyết tâm một lòng đấu tranh/ Giải phóng quê hương ta thân yêu hơ…hơ”


Già làng Hồ Văn Dinh (ngồi ngoài cùng bên phải), đang trải lòng làn điệu dân ca Ca Dong ra nghế, ca ngợi quê hương, làng bản tươi đẹp có đệm bởi đàn bróh

Ngày nay, người Ca Dong lại dùng làn điệu dân ca ca ngợi quê hương, làng bản và nó cứ ngân vang mãi trong lòng mỗi người.”Ơi, anh ơi/ Ta vui cuộc đời mới/ Lúa khoai đây màu mỡ, rẫy nương tươi tốt/ Ơi, anh ơi/ Quê hương người Ca Dong còn khổ/ Quê hương của người Ca Dong còn nghèo/ Ta hát mừng ngày vui liên hoan/ Ta hát mừng ngày vui bên nhau hơ…hơ”.

Không ai nhớ, tộc người Ca Dong này đã khai sinh, phát triển và tồn tại dưới đỉnh núi Ngọc Linh của vùng đất Trà My bao nhiêu mùa rẫy rồi và cũng không biết những làn điệu dân ca của họ ra đời khi nào. Chúng tôi cũng đã từng đến các bản làng người Ca Dong sinh sống và cũng đã được nghe những người già, các chàng trai, cô gái Ca Dong hát những làng điệu dân ca ra nghế, ca lêu, plét, a hội, dê ôdê, đến làn điệu k’cheo truyền thống trong những đêm lửa rừng bập bùng của mùa lễ hội của làng. Những làn điệu ấy cứ mãi ngân vang và bay xa vào từng ngõ ngách, từng nếp nhà sàn với biết bao tình cảm ngọt ngào, sâu lắng…

Theo baodulich

Tin khác