Đây là chia sẻ của bà Vũ Minh Châu – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương Mại Việt Nam – Nhật Bản (VJSC) với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Bà đánh giá ra sao về thị trường charter nói chung tại Việt Nam và thị trường charter Việt Nam – Nhật Bản hiện nay?
Trong bối cảnh những năm gần đây hình thức charter flight đang nở rộ ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... đi và đến Việt Nam. Riêng Nhật Bản quy định để có thể trực tiếp khai thác charter flight (các chuyến bay thuê bao) phải là doanh nghiệp lữ hành có giấy phép cấp 1 (loại giấy phép cao nhất).
Có một hiện trạng là nhiều tour charter ở Việt Nam đang được chào giá thấp hơn hẳn so với những sản phẩm du lịch phổ thông. Nguyên nhân giá rẻ đến từ việc khai thác được toàn bộ cả bốn lần bay của một chuyến charter. Nếu như đơn vị khai thác không thể tìm kiếm được đối tác khai thác chiều bay trống (ferry) thì sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí của bốn lần bay này trong khi thực tế chỉ sử dụng 2 lần bay. Khi đó, đoàn khách có nhu cầu trước thường sẽ chịu phần chi phí cao hơn (tùy theo đàm phán, phần chi phí này có thể lên tới 70% của giá trị chuyến bay; 30% còn lại là chi phí mà đoàn khách phái sinh sử dụng chiều trống chỗ chi trả).
Theo quan sát trên thị trường Việt Nam hiện nay, đa phần các chuyến bay charter do các doanh nghiệp là đang khai thác ferry của charter. Theo đó, ferry lại có nhược điểm: không chủ động chỉ định thời gian khai thác, không chủ động chỉ định điểm đến. Do vậy, ít khi có chuyến bay charter theo dạng này rơi vào mùa du lịch đẹp nhất dành cho khách du lịch Việt Nam. Đồng thời, khiến cho du khách hiểu sai về khái niệm charter flight đúng nghĩa đó là “charter thì giá phải rẻ”.
Để kích cầu du lịch Nhật Bản thường xây dựng các gói hỗ trợ trực tiếp trên từng khách khi sử dụng các chuyến bay charter đến với sân bay của họ
Ngoài ra, việc giá một số chuyến bay charter hấp dẫn hơn so với các sản phẩm khác là do có nguồn tài trợ từ phía sân bay Nhật Bản. Để kích cầu du lịch và thu hút các chuyến bay từ quốc tế, chính phủ và một số địa phương Nhật Bản thường xây dựng các gói hỗ trợ trực tiếp trên từng khách khi sử dụng các chuyến bay charter đến với sân bay của họ. Hiện nay, một số đơn vị lữ hành hàng đầu Việt Nam như Vietravel đã và đang khai thác các chuyến bay charter theo dạng chuỗi (series charter), khởi hành liên tục theo một lịch cố định, kéo dài trong nhiều tháng. Đặc điểm của các chuỗi chuyến bay này là nó nằm trọn trong mùa du lịch đẹp nhất dành cho du khách Việt Nam và đến những sân bay địa phương có sự đầu tư về mặt truyền thông và công tác xúc tiến tại thị trường Việt Nam, đơn cử như sân bay Fukushima, Ibaraki… Đây chính là sản phẩm charter đúng nghĩa, với toàn bộ các thế mạnh của dòng sản phẩm charter như đã nêu ở trên.
Ngoài ra, tại thời điểm hiện tại, các sân bay địa phương ở Nhật Bản đang có chính sách kích cầu nên du khách Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc sử dụng sản phẩm cao cấp và đắt đỏ chỉ với chi phí hấp dẫn. Trong tương lai, khi việc khai thác charter đi vào ổn định, có thể giá của dòng sản phẩm này sẽ quay lại với đúng phân khúc của nó: đắt tiền và trải nghiệm khác biệt.
- Lợi thế cho việc khai thác charter Việt Nam – Nhật Bản hiện nay ra sao, thưa bà?
Đất nước Nhật Bản với diện tích chỉ lớn hơn Việt Nam 13% nhưng có tới 97 sân bay gồm 28 sân bay do nhà nước quản lý, 54 sân bay địa phương quản lý, 8 sân bay lưỡng dụng (dân dụng và quân sự) và 7 sân bay loại khác. Nhật Bản luôn chú trọng xây dựng các gói hỗ trợ kích cầu du lịch, đặc biệt là cho các chuyến bay charter đến với tất cả các sân bay địa phương.
Mặt khác, chính sách này còn giúp Nhật Bản thúc đẩy giao lưu về con người và cơ hội phát triển kinh tế trong thực trạng già hóa dân số. Trong chiến lược dài hạn, Nhật Bản thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài đến sinh sống, làm việc và chiến lược ngắn hạn chính là thu hút khách du lịch. Đây là chính sách đang được đánh giá là có là hiệu quả tốt về mặt xã hội và kinh tế địa phương.
- Yếu tố nào quan trọng nhất trong việc quyết định sự thành công trong khai thác charter, thưa bà?
Trong khi các doanh nghiệp hàng không ở Việt Nam phải chủ động trong công tác làm việc với các sân bay để được tổ chức các chuyến bay thì ở Nhật Bản các sân bay lại chủ động đi tìm kiếm và chào mời các đơn vị hàng không, đề xuất phương án hợp tác khai thác sân bay của họ. Tuy nhiên, sự khác biệt về tư duy và cách làm của Nhật Bản với nhiều quốc gia khác có thể cũng là một lý do khiến sức hút của du lịch Nhật Bản ngày càng trở nên mạnh mẽ như vậy.
Quay lại Việt Nam, chúng tôi cho rằng tài nguyên du lịch của chúng ta rất giàu có. Cái mà chúng ta cần cải thiện và thay đổi tư duy làm du lịch theo hướng chủ động và bài bản hơn, lăn xả hơn. Sự thay đổi cần đến từ chính sách quản lý chung nhưng cũng có thể đến từ chính các doanh nghiệp lữ hành khi mỗi đơn vị đều có tư duy và đam mê xây dựng những sản phẩm mang dấu ấn riêng biệt của chính mình, tạo ra những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo. Điểm mấu chốt mang đến sự thành công là tư duy chủ động trong việc xây dựng và khai thác sản phẩm mới.
Cần loại bỏ những lối nghĩ chỉ chạy theo những gì đã có sẵn và cạnh tranh chỉ bằng giá rẻ. Khi đã tạo ra một thị trường công bằng và cạnh tranh lành mạnh thì thị trường du lịch nói chung và charter nói riêng ở Việt Nam sẽ thực sự “bứt tốc” với đối tượng khách cao cấp, có khả năng chi trả cao hơn.
- Xin cảm ơn bà!