Hậu Covid-19, ngành du lịch phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng lớn đến tốc độ hồi phục
Thiếu trầm trọng nhân sự có chuyên môn cao
Thời điểm hoàng kim năm 2019, ngành du lịch Việt Nam có hơn 2,5 triệu lao động, trong đó có 750.000 lao động trực tiếp. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2020, do “sóng thần” Covid-19, có tới gần 60% số lao động du lịch phải nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng hoặc tạm nghỉ việc. Sang năm 2021, chỉ có 25% số lao động làm đủ thời gian; 30% phải nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; 35% tạm nghỉ việc; 10% làm việc cầm chừng.
Do đó, khi ngành kinh tế xanh mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022, các doanh nghiệp du lịch phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Sau hơn 1 năm, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể vận hành trơn tru bởi thiếu nhân sự, nhất là nhân sự có trình độ cao, dù đã liên tục đăng tin tuyển dụng, thậm chí chào mời với mức lương hậu hĩnh.
Theo CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài, sau hơn 2 năm Covid-19, phần lớn lao động du lịch đã phải chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Nay du lịch mở cửa, một số người quay lại, nhưng cũng có nhiều người đã ổn định công việc mới, nguồn thu nhập cao hơn, nên không muốn quay lại ngành. Vì thế, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, nhất là lao động chất lượng cao vô cùng căng thẳng.
Ông Tài cho hay, các doanh nghiệp du lịch đang phải cạnh tranh gay gắt trong khâu tuyển dụng, không chỉ giữa các khách sạn hay doanh nghiệp du lịch với nhau, mà với cả các ngành nghề khác. Nguồn nhân lực du lịch phân tán mạnh, lượng học viên đăng ký vào các cơ sở đào tạo du lịch cũng sụt giảm, dẫn đến thiếu hụt lượng lao động bổ sung mới. Bên cạnh đó, do thời gian “đóng băng” du lịch quá dài, người lao động không có điều kiện thường xuyên mài giũa kỹ năng nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, tác phong phục vụ, dẫn đến chất lượng nhân lực suy giảm.
“Ngành du lịch không đơn thuần bán các gói nghỉ dưỡng, lưu trú tại khách sạn, mà phải “bán” trải nghiệm, bán cảm xúc, dịch vụ. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch đang phải thu hút nhân tài tiềm năng được đào tạo bài bản và lao động có trình độ bằng mức lương hậu hĩnh”, ông Tài chia sẻ.
Nhận định về thị trường nhân lực du lịch hiện nay, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam lo lắng, Việt Nam đang thiếu hụt lượng lớn nhân sự du lịch, đặc biệt là vào dịp cao điểm như nghỉ lễ, Tết. Cơ cấu nhân sự chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Sự mất cân đối nhân lực theo vùng miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch, nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định.
Đánh giá về nhu cầu nhân lực sau đại dịch, bà Lan cho biết, hiện nay, ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025, cả nước cần có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1,3 - 1,45 triệu buồng. Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.
Nhà nước - nhà trường - nhà tuyển dụng cần bắt tay chặt chẽ
Một khảo sát của Navigos Search - đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cho thấy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn đã quay lại tuyển dụng các vị trí quản lý cấp cao Tổng giám đốc, Tổng quản lý, các trưởng bộ phận trong khách sạn và khu nghỉ dưỡng là các ứng viên người nước ngoài. Các dự án khách sạn nghỉ dưỡng hồi phục nên nhu cầu về nhân sự cấp cao ở các mảng xây dựng và vận hành cũng sẽ phát triển mạnh.
Theo Tổng cục Du lịch, với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, hàng năm cần đến 60.000 lao động có trình độ. Tuy nhiên về nguồn cung, các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng du lịch hiện chỉ đáp ứng được khoảng 15.000 lao động, như vậy lượng thiếu hụt rất lớn.
Việt Nam hiện có gần 200 cơ sở đào tạo nghề du lịch, trong đó 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm dạy nghề, nhưng công tác đào tạo nhân lực du lịch còn khoảng cách khá xa về chất lượng so với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Vậy nên, sau tuyển dụng, dù nhân sự đúng chuyên môn ngành học hay không, các doanh nghiệp vẫn tốn khá nhiều thời gian, công sức đào tạo lại hoặc đào tạo, bổ sung kỹ năng, nhất là về ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ, giao tiếp…
Mỗi năm, số sinh viên Việt Nam theo học các trường đào tạo hệ cao đẳng và đại học chuyên ngành du lịch - khách sạn ở nước ngoài bằng khoảng 5-7% tổng lượng sinh viên vào học tại các cơ sở đào tạo về du lịch ở Việt Nam. Như vậy, cộng cả đào tạo trong nước và nước ngoài chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu trong thời gian tới.
Thực tế, nhân sự du lịch Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. TS. Nuno Ribeiro, giảng viên cao cấp, Trưởng nhóm Nghiên cứu ngành quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT) chỉ ra rằng, tình trạng mất cân bằng cung - cầu đối với lao động có trình độ đã là vấn đề nan giải của ngành kinh tế xanh từ lâu.
“Trước đại dịch, số liệu thống kê cho thấy, chỉ có 42% lao động được đào tạo bài bản về du lịch (đào tạo nghề hoặc tương đương), 38% từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy”, ông Nuno Ribeiro dẫn chứng.
Do đó, theo chuyên gia này, công tác đào tạo nhân sự mới cho ngành du lịch Việt Nam phải đi theo hướng thị trường cần. Trong điều kiện bình thường mới của ngành du lịch, kỹ năng giao tiếp xuất sắc, kiến thức về an toàn, công nghệ thông tin và du lịch thông minh càng được chú trọng.
Để nâng cao chất lượng nhân sự du lịch, ông Nuno Ribeiro khuyến nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần ưu đãi thuế cho các tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo về du lịch và khách sạn, bởi nhiều doanh nghiệp có cơ sở vật chất tốt và phù hợp cho việc đào tạo nhân sự du lịch, nhưng họ cần hỗ trợ về chi phí.
Về vấn đề này, PGS-TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng, nguồn nhân lực du lịch hiện nay có 3 điểm yếu: kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giao tiếp. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo nhân lực du lịch Việt Nam đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế còn rất hạn chế.
“Cần phải quốc tế hóa chương trình đào tạo. Đây sẽ là xu hướng mà nhiều cơ sở đào tạo về du lịch và khách sạn trong nước theo đuổi. Trong đó có thể thực hiện thông qua việc liên kết với các cơ sở uy tín của nước ngoài đào tạo chương trình cử nhân, chương trình thạc sỹ; đào tạo theo hình thức chuyển nhượng thương hiệu và nỗ lực quốc tế hóa chương trình bằng việc đưa các học phần chuyên môn được giảng dạy bằng ngoại ngữ”, ông Long nêu quan điểm.
Theo Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành du lịch cần hơn 3 triệu lao động, trong đó khoảng 1 triệu lao động trực tiếp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2023, sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 100% đội ngũ nhân lực du lịch hiện nay, gồm kiến thức, kỹ năng liên quan đến xử lý tình huống phòng, chống dịch bệnh, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng bổ trợ cần thiết khác.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi lao động trong ngành du lịch. Trong đó, Chính phủ hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động thông qua doanh nghiệp du lịch hoặc Hiệp hội Du lịch. Mức kinh phí hỗ trợ là 50% chi phí đào tạo từ ngân sách trung ương hoặc địa phương, thực hiện trong 2 năm 2023 - 2024.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để ngành du lịch Việt Nam tăng sức cạnh tranh với các thị trường khác, ông Nguyễn Tiến Đạt, đồng sáng lập Trung tâm đào tạo du lịch thực tế Prato cho rằng, việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cần sự tham gia tích cực, bắt tay chặt chẽ và đóng góp hiệu quả giữa ba nhà là Nhà nước - nhà trường - nhà tuyển dụng. Trước mắt, cần ưu tiên xây dựng và thực hiện chuẩn hóa chương trình đào tạo nhân lực du lịch từ quản lý du lịch, đến những vị trí nghiệp vụ du lịch phù hợp các hệ thống tiêu chuẩn khu vực và quốc tế về lao động.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần xem xét, đánh giá toàn diện về hệ thống cơ sở đào tạo du lịch phù hợp yêu cầu phát triển ngành. Đồng thời, tham khảo hệ thống đào tạo, đưa vào chương trình đào tạo kiến thức về các loại hình du lịch mới ở những nước có ngành du lịch phát triển, bảo đảm cơ cấu đào tạo du lịch ở các cấp hợp lý, phù hợp với chuẩn mực chung của khu vực và quốc tế.
Để lấp “khoảng trống” thiếu nhân sự du lịch, các doanh nghiệp du lịch cũng cần tính đến giải pháp tuyển mới lao động từ những ngành nghề có liên quan để đào tạo ngắn hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đặt hàng đào tạo với các trường có thế mạnh về du lịch, nhà hàng, khách sạn, booking... để có đội ngũ nhân sự lành nghề, nhất là nhân sự chất lượng cao trong tương lai.
Để giải bài toán thiếu nhân lực không chỉ cần doanh nghiệp nỗ lực là đủ, mà cần có những chính sách tốt từ phía cơ quan quản lý để đi đường dài. Làm thế nào để “kéo” nhân lực du lịch có kinh nghiệm, có chuyên môn quay lại với nghề? Bên cạnh đó, cần liên tục đào tạo nhân lực mới với nhiều cấp bậc, trình độ đáp ứng nhu cầu của từng mảng, từng khâu trong ngành du lịch.