Phố đi bộ Hai Bà Trưng là sự kết hợp các khu vực thương mại sẵn có và khai thác các dịch vụ thương mại của người dân để hình thành khu phố sầm uất, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí về đêm - Ảnh: VGP/Lê Hoàng
Trong thời gian qua, TP. Huế đã xây dựng các tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão-Chu Văn An-Võ Thị Sáu và phố đêm Hoàng Thành Huế, bước đầu hình thành một số sản phẩm du lịch về đêm hấp dẫn, thu hút du khách.
Nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa Huế trở thành điểm đến về đêm năng động, thú vị và đặc sắc, thành phố sẽ khai trương phố đi bộ Hai Bà Trưng, hoạt động từ 18-24h các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.
Phố đi bộ Hai Bà Trưng có chiều dài toàn tuyến 850 m, đã được đầu tư nâng cấp nhiều hạng mục, như lát đá vỉa hè, thảm bê tông mặt đường, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ ngầm hệ thống điện hạ thế, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng đường và vỉa hè bằng đèn led, bố trí đèn chiếu sáng, trồng mới nhiều cây xanh.
Phố đi bộ Hai Bà Trưng là sự kết hợp các khu vực thương mại sẵn có và khai thác các dịch vụ thương mại của người dân để hình thành khu phố sầm uất, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí về đêm cho người dân và du khách, góp phần quảng bá, giới thiệu vùng đất, con người Huế thân thiện, mến khách, giàu truyền thống văn hóa.
Ngay lễ khai trương, lúc 19h ngày 26/3, tại phố đi bộ Hai Bà Trưng sẽ diễn ra "Lễ hội chào hè Huế 2023" với chương trình Carnival sắc màu du lịch.
Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, "Lễ hội chào hè Huế 2023" là hoạt động khởi đầu cho chuỗi lễ hội, sự kiện của ngành du lịch tỉnh trong năm 2023 và hưởng ứng Festival Huế 2023.
Chương trình Carnival sắc màu du lịch dự kiến sẽ quy tụ gần 300 người đến từ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, sinh viên một số trường đại học và các nghệ sĩ đến từ các vũ đoàn bán chuyên và chuyên nghiệp hóa trang, trình diễn trang phục đặc trưng của các quốc gia có thị trường khách du lịch đến Thừa Thiên Huế, như: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh và một số nước châu Âu và khu vực khác.
Các trang phục đặc trưng của các dân tộc địa phương ở tỉnh, như Tà Ôi, Cơ Tu, trang phục đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc, hòa với trang phục truyền thống và cung đình ở Huế (áo dài Huế, Ngũ Thân, Nhật Bình) cùng tham gia diễu hành trên phố đi bộ Hai Bà Trưng.
Chương trình carnival này cũng để mở đầu thí điểm cho không gian tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc đường phố ở phố đi bộ mới được hình thành, góp phần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa cho người dân địa phương và du khách ở các phố đi bộ đã và đang được quy hoạch ở TP. Huế.
Tiếp sau lễ hội này, tại Thừa Thiên Huế sẽ diễn ra chuỗi các lễ hội nhằm kích cầu du lịch trong khuôn khổ Festival Huế 2023, gồm: Lễ hội khinh khí cầu "Huế - nét đẹp Cố đô" và các hoạt động vui chơi giải trí, ẩm thực diễn ra từ ngày 10 đến 20/4; Ngày hội ẩm thực Sen Huế 2023 dự kiến từ 18 đến 20/5, tại Công viên Tứ Tượng, Ngày hội HipHop Huế 2023, từ 24 đến25/6, dự kiến tại Công viên Thương Bạc…
Ngoài ra, trong dịp Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 9-2023 với chủ đề "Tinh hoa Nghề Việt (từ 28/4 đến 5/5), ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức "Tuần lễ Ẩm thực đường phố 2023" dự kiến từ 22 đến 28/4 tại đường đi bộ phía sau khách sạn Azerai La Residence và Học viện Âm nhạc Huế.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, chuỗi lễ hội, sự kiện do ngành du lịch tỉnh triển khai thực hiện phối hợp với các sở, ngành liên quan và TP. Huế sẽ góp phần khẳng định danh hiệu Huế - thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam; quảng bá, giới thiệu các hình thức trải nghiệm du lịch mới, đầy sáng tạo đến với khách du lịch; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch giới thiệu sản phẩm cũng như liên kết các thành phần kinh tế cùng tham gia tạo ra sản phẩm du lịch chung cho tỉnh Thừa Thiên Huế.