Du lịch… đổi màu

Thứ Năm, 19/10/2023 15:01
Từ tàu du lịch chạy bằng pin, nhiên liệu sinh học hàng không có nguồn gốc từ vi tảo đến xu hướng nghỉ dưỡng bảo tồn sinh thái…, mọi lĩnh vực du lịch đều đang… đổi màu theo hướng ngày càng ứng dụng nhiều giải pháp xanh nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon và ưu tiên bảo vệ môi trường.

Năm 2005, Misool Eco Resort thành lập khu bảo tồn biển rộng khoảng 122ha

Các khu nghỉ dưỡng bảo tồn hệ sinh thái 

Trên khắp thế giới, các khu nghỉ dưỡng sang trọng đang mang đến cho du khách và người dân địa phương cơ hội hòa mình với thiên nhiên bằng cách tạo ra các khu bảo tồn biển. Có thể kể một loạt cái tên đang làm tốt việc bảo tồn và phát huy hệ sinh thái biển đồng thời mang đến việc làm cho người dân địa phương như khu nghỉ dưỡng Misool Eco Resort (quần đảo Raja Ampat, Indonesia). Vào năm 2005, 2 chị em Misool - đồng sáng lập khu nghỉ dưỡng - đã bỏ nhiều thời gian, kinh phí để thành lập khu bảo tồn biển Misool rộng 122ha nhằm tái tạo một trong những rạn san hô đa dạng sinh học nhất trên trái đất. 

 

Ở Tanzania, khu nghỉ dưỡng Manta Resort trên đảo Pemba cũng mở các khu bảo tồn biển, đồng thời mang lại lợi ích cho ngư dân địa phương khi vừa góp phần bảo tồn hệ sinh thái lành mạnh vừa giúp họ kiếm thêm thu nhập. Khu bảo tồn biển đảo san hô Turneff (Belize) từng nằm trong danh sách cảnh báo nguy hiểm, sau nhiều nỗ lực bảo tồn của chính phủ cùng sự phối hợp của Turneff Flats Resort đã được đưa trở lại khai thác du lịch…

Trước đó, hiệp hội những người hướng dẫn lặn chuyên nghiệp đã thách thức các lĩnh vực của ngành du lịch tập trung vào lặn biển để giúp bảo tồn 10.000 địa điểm đại dương vào năm 2025. Liên hiệp quốc đặt mục tiêu đến năm 2030, 30% không gian đại dương trên thế giới là khu bảo tồn biển. Việc các khu nghỉ dưỡng thành lập khu bảo tồn biển được kỳ vọng giúp rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu trên.

Nhiên liệu hàng không âm carbon

Một số hãng hàng không quốc tế đang dẫn đầu nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon từ máy bay và làm cho việc di chuyển bằng loại phương tiện này trở nên bền vững hơn.

Gần đây, hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đã có một bước tiến lớn với nhiên liệu máy bay phản lực âm carbon mới. Hãng hàng không này đang phát triển nhiên liệu dầu hỏa sinh học tổng hợp có nguồn gốc từ thực vật vi tảo, giúp loại bỏ những lo ngại về môi trường xung quanh nhiên liệu sinh học dựa trên cây trồng (sử dụng nước, cạnh tranh đất nông nghiệp…). Để đảm bảo toàn bộ quá trình có sản lượng carbon âm, cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ sử dụng công nghệ thu giữ carbon, chiết xuất carbon từ khí quyển và lưu trữ vĩnh viễn dưới lòng đất. 

Tương tự, sáng kiến “chuyến bay NZ0” bằng 0 của hãng hàng không quốc gia New Zealand và mục tiêu giảm 100% lượng khí thải vào năm 2050 của United Airlines (Mỹ) đang gây chú ý thông qua các hạng mục hành động như điện khí hóa đội bay, đầu tư vào nhiên liệu sinh học và thu hồi carbon. 

Các hãng du thuyền đang thiết lập tiêu chuẩn mới

MS Roald Amundsen - du thuyền chạy bằng pin đầu tiên trên thế giới

Năm 2019, tập đoàn du lịch mạo hiểm toàn cầu Hurtigruten Expeditions của Na Uy đã hạ thủy du thuyền MS Roald Amundsen chạy bằng pin kết hợp nhiên liệu đã cắt giảm 20% lượng khí thải carbon khi vận hành, hạn chế khoảng 3.000 tấn carbon mỗi năm.

Vào năm 2023, Hurtigruten Expeditions tiếp tục đầu tư 100 triệu euro cho dự án trên với 3 du thuyền chạy bằng nhiên liệu kết hợp pin là MS Richard With, MS Kong Harald và MS Nordlys. Trong dự án đầu tư bền vững có tính lịch sử này, 3 du thuyền trên đã được điều chỉnh để giảm 25% lượng carbon thải ra. Tại các chuyến tàu mang tên Coastal Express chuyên khai thác du lịch ở các vịnh biển trong nước, tập đoàn này cũng triển khai điều chỉnh động cơ, hệ thống khử xúc tác có chọn lọc để cắt giảm 80% lượng khí thải nitơ oxit.

Tàu chở khách chạy bằng hydro 

Mặc dù tàu hỏa thường được coi là sự lựa chọn thân thiện với môi trường, đặc biệt là so với đường hàng không, nhưng theo thống kê, giao thông đường sắt lại góp phần tạo ra 1% lượng khí thải giao thông toàn cầu. Tại châu Âu, tàu hỏa thải ra 3,8 triệu tấn CO2 vào năm 2019. Cũng trong năm 2019, thống kê cho thấy tại châu Âu có khoảng 300.000 ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí. Riêng nước Đức đang đối mặt với áp lực lớn trong việc giảm lượng khí thải khi số vụ kiện của người dân về mức độ ô nhiễm không khí trong nước ngày càng tăng. 

Cara Bottorff - nhà phân tích cấp cao của tổ chức phi lợi nhuận vận động môi trường Sierra Club - giải thích: “Ô nhiễm đường sắt có tác động tiêu cực đáng kể và lâu dài đối với sức khỏe cộng đồng, bao gồm tăng tỉ lệ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em, bệnh phổi và tử vong sớm”.

Tháng 8/2022, đoàn tàu Coradia iLint có thể chạy cả ngày chỉ bằng một bình hydro do công ty Alstom sản xuất được đưa vào vận hành tại Đức. Theo ước tính từ các chuyên gia, các đoàn tàu Coradia iLint sẽ tiết kiệm hơn 1.600 lít nhiên liệu diesel hằng năm và giảm khoảng 4.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm so với các đoàn tàu diesel. 

Chuyến tàu đầu tiên trong số 27 chuyến tàu Coradia iLint sẽ bắt đầu phục vụ khu vực đô thị Frankfurt vào tháng Mười hai. Alstom đã ký kết các thỏa thuận với các điểm đến ở Ý và Pháp, đồng thời đã thử nghiệm thêm các chuyến tàu Coradia iLint ở Áo, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển… Ước tính rằng 1/5 số chuyến tàu ở châu Âu sẽ chạy bằng hydro vào năm 2035, bên cạnh các dự án quốc tế khác đang được triển khai tại Ấn Độ, California, Canada, Nhật Bản và Anh…

Khách du lịch cam kết bảo vệ những nơi họ khám phá

 

Du khách cam kết dọn sạch rác, không cho thú hoang ăn, không lãng phí nước

Ngày càng nhiều điểm đến đang tìm cách riêng để đáp lại lời kêu gọi hành động vì môi trường. Tại Mỹ, chương trình B Like Breckenridge với các sáng kiến thúc đẩy du lịch có trách nhiệm vì môi trường được đánh giá cao. Các chương trình cam kết và giáo dục du khách cũng đang là xu hướng ở quốc gia này. Đầu tháng 4/2023, cam kết Kanu mới ở Hawaii yêu cầu khách du lịch cam kết bảo vệ các hòn đảo trong chuyến du lịch của mình bằng cách trở thành tình nguyện viên tại địa phương.

Tại quần đảo San Juan, bang Washington, du khách cũng phải cam kết tuân thủ các nguyên tắc khám phá có trách nhiệm như không cho động vật hoang dã ăn và bảo tồn nước hết mức có thể. Cam kết Sedona Cares giúp khách du lịch đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ và bảo tồn bằng cách yêu cầu họ cẩn thận với lửa, không chạm khắc vào đá, tôn trọng sự yên tĩnh tự nhiên của không gian nơi họ khám phá.

Phà điện tử

Châu Âu đang dẫn đầu cuộc cách mạng phà điện tử, như chuyến phà Candela P-12 chở hành khách tại Thụy Điển hay phà điện tử Ellen - tuyến phà chạy hoàn toàn bằng điện dài nhất thế giới vận chuyển các phương tiện và hành khách giữa các đảo Ærø và Als của Đan Mạch. Thành phố Hyke (Na Uy) giới thiệu “Hydrolift Smart City” với sức chứa 50 hành khách chạy bằng năng lượng mặt trời, có thể sạc không dây khi cập cảng.

Ở châu Á, các dự án phà điện tử đang được tiến hành ở quy mô lớn: Bangkok (Thái Lan) đã đặt mua 30 chiếc phà điện mới. Trong khi đó, Kochi (Ấn Độ) và các đảo xung quanh sẽ có 78 phà điện khí hóa - hiện là đội phà điện lớn nhất thế giới. Ở New Zealand, chiếc phà chở khách chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của Nam bán cầu đã được hạ thủy tại Wellington vào năm ngoái. Công ty sản xuất phà Incat của Úc hiện đang xây dựng chiếc phà điện tử lớn nhất thế giới chạy bằng pin có sức chứa 2.100 hành khách, dự kiến ra mắt vào năm 2025, để vận chuyển hành khách giữa Argentina và Uruguay. 

Tại Mỹ, vài năm gần đây, các chuyến phà du lịch chạy bằng điện đã được sử dụng ở những điểm du lịch nổi tiếng, trong đó có thác Niagara. 

Nguồn: Phụ Nữ

Tin khác