Du lịch văn hóa là mũi nhọn phát triển công nghiệp văn hóa

Thứ Bảy, 23/11/2024 19:39
Trong công nghiệp văn hóa, lĩnh vực du lịch văn hóa được xác định là một trong những “mũi nhọn” phát triển và Việt Nam hội đủ điều kiện để nâng tầm.

Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến mới, đóng góp vào tăng trưởng GDP của cả nước. Hiện tại, các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta bước đầu khẳng định được chỗ đứng và giá trị khai thác vẫn còn rộng mở nên cần nâng tầm, đi vào chiều sâu.

Hoạt động kết nối văn hóa thu hút khách du lịch tại Hội An.

Số liệu thống kê của Bộ VH-TT&DL cho thấy trong giai đoạn 2016 - 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đóng góp doanh thu hơn 8 tỷ USD (tương đương 3,61% GDP). Đến năm 2021, đóng góp của công nghiệp văn hóa đạt 3,92% GDP, năm 2022 tăng lên 4,04% GDP; giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2022 có bước phát triển mạnh, đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).

Cùng với đó, Việt Nam có 3 đô thị tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO gồm: TP.Hà Nội, TP.Hội An (Quảng Nam), TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố trên thế giới trong việc phát triển văn hóa và sáng tạo. Giai đoạn 2018 - 2022, số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá cao ở mức 7,2%/năm, lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa khoảng 2,3 triệu người.

Đặc biệt, vào ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 30 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Nội dung của chỉ thị là phát triển nhanh, bền vững; tương xứng với tiềm năng lợi thế; mang lại giá trị gia tăng kinh tế; phát huy, quảng bá các giá trị đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc.

Trong Chiến lược này, du lịch văn hóa được xác định là một trong những ngành công nghiệp văn hóa cần được đẩy mạnh phát triển thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, cùng với thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật… Văn hóa là tài nguyên để phát triển du lịch và du lịch là phương thức hữu hiệu để khai thác giá trị kinh tế của văn hóa.

Việt Nam có nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa vô cùng đa dạng và hấp dẫn để vận dụng phát triển du lịch văn hóa, tạo đà nâng tầm công nghiệp văn hóa.

Ông Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng Chỉ thị yếu tố để nâng cao nhận thức xã hội về công nghiệp văn hóa, khuyến khích doanh nghiệp và xã hội làm công nghiệp văn hóa cũng như thay đổi cách làm của ngành văn hóa - thể thao - du lịch. Theo Thứ trưởng Phong, trong công nghiệp văn hóa, ngành văn hóa - thể thao - du lịch phải chuyển đổi từ việc chủ yếu làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa để kiến tạo cho các chủ thể khác phát triển, khai thác sâu rộng công nghiệp văn hóa.

“Dư địa của ngành còn rất lớn, cách làm phải thay đổi, tránh tình trạng không quản được thì cấm”, Thứ trưởng Hồ An Phong nêu vấn đề.

Trong công nghiệp văn hóa, lĩnh vực du lịch văn hóa được xác định là một trong những “mũi nhọn” phát triển. Việt Nam có nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa vô cùng đa dạng và hấp dẫn, với các danh lam thắng cảnh, di tích và văn hóa lễ hội dày đặc.

Hiện nay, cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê. Tong đó có 32 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh (gồm 08 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 09 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh); 128 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng, 3.621 di tích quốc gia, 11.232 di tích cấp tỉnh, 534 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho hay nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch. Đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương nơi có di sản, mang lại cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.

“Phát triển công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch. Ở chiều ngược lại, du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành các ngành công nghiệp văn hóa mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững. Để có thể phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch, cần có nhiều giải pháp khơi thông năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Muốn du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa, yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách”, ông Siêu nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Minh Toàn - Tổng giám đốc VietFest nhận định sự phát triển của công nghiệp văn hóa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thông qua việc tạo công ăn việc làm và thu hút đầu tư, mà còn giúp định hình hình ảnh quốc gia, thay đổi nhận thức và tạo ra thiện cảm với cộng đồng quốc tế. Vị này cho rằng các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, âm nhạc, thời trang, và nghệ thuật không còn chỉ là phương tiện giải trí, mà đã trở thành biểu tượng quyền lực mới, được sử dụng để chinh phục trái tim và khối óc của hàng triệu người trên khắp thế giới.

“Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một yêu cầu cấp thiết để các quốc gia nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ bản sắc văn hóa của mình”, ông Toàn khẳng định.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Tin khác