Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai. Một trong những nền tảng quan trọng nhất trong lần này là các liên minh kích cầu.
Trả lời PV, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng khẳng định "khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp cùng chung tay hành động theo khối liên minh nhằm tối ưu hóa nguồn lực, khuyến khích doanh nghiệp lớn tiên phong hành động, có tác dụng lan tỏa thị trường".
Để đón đầu xu hướng tái khởi động du lịch dịp cuối năm, hệ thống du lịch nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl đưa ra 6 gói ưu đãi, với giá phòng chỉ dao động từ 850.000 đến 1,25 triệu đồng/đêm. Trong khi đó, voucher đồng giá tại các khách sạn trong thành phố lớn có giá 1,6-1,8 triệu đồng/người, khách sạn và resort biển từ 2,7 triệu đồng/người.
Các combo nghỉ dưỡng trọn gói bao gồm giá vé máy bay đồng thời giảm đến 50%. Riêng gói staycation (du lịch tại chỗ) áp dụng tại tất cả khách sạn nội đô (trừ Vinpearl Lạng Sơn) có giá chỉ từ 850.000 đồng/đêm.
Bà Việt Hà, đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội nhận định, chi tiêu lớn nhất trong mỗi chuyến du lịch là chỗ ở và đi lại. Do đó, ưu đãi từ các khách sạn, resort có tác động rất lớn đến chi phí du lịch, đặc biệt trong thời điểm hàng không và vận tải đường bộ chưa có mức khuyến mại đáng kể.
Cùng với Vinpearl, các khách sạn, resort của Sun Group cũng đang giảm mạnh giá phòng. Tiêu biểu, Premier Residences Phú Quốc Emerald Bay đưa ra mức giá từ 2,5 triệu đồng/đêm cho nhóm 4 người, cùng ưu đãi 15-100% cho một số dịch vụ tại đây.
Du khách cũng có thể nghỉ một đêm tại biệt thự 2 phòng ngủ ở Premier Village Hạ Long Bay với giá 7,7 triệu đồng, và sử dụng miễn phí dịch vụ trong khu tắm khoáng public onsen ở Yolo Onsen Quang Hanh.
Nhằm tăng tính hiệu quả của chương trình kích cầu, Sun Group cho biết đang hợp tác với các hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air để mang đến các gói dịch vụ tại Phú Quốc, Đà Nẵng với giá ưu đãi.
Nhiều khách sạn, resort 5 sao tung ưu đãi lớn, hưởng ứng đợt kích cầu du lịch lần hai. Ảnh: JW Marriott Phú Quốc. |
Theo ông Đặng Thanh Thủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, những ưu đãi được đưa ra nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng mức tăng trưởng khách du lịch nội địa lên 2-2,5 lần trong giai đoạn 2020-2021 so với đỉnh khách năm 2019. "Chúng tôi xác định việc phát triển khách du lịch nội địa là mục tiêu chiến lược lâu dài", ông khẳng định.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong ba thay đổi linh hoạt về chiến lược mà Vinpearl đang triển khai nhằm hướng tới phát triển bền vững trước các tác động khách quan.
Doanh nghiệp đặt mục tiêu phát triển các điểm đến du lịch cao cấp tầm cỡ khu vực và thế giới. Theo đó, Vinpearl Phú Quốc sẽ trở thành điểm phải đến của Việt Nam và thế giới trong 3 năm tới, còn Vinpearl Nha Trang là "đảo du lịch" đẳng cấp.
Song song đó, thương hiệu tập trung phát triển các dịch vụ và sản phẩm riêng biệt để thu hút thị phần du khách đặc thù, tiêu biểu là mảng khách du lịch - hội họp (MICE) hướng đến những sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
"Định hướng này kỳ vọng sẽ đón đầu chuỗi hoạt động mới của thời kỳ hậu dịch Covid-19, tận dụng tối đa lợi thế Việt Nam là điểm đến uy tín - an toàn của cả thế giới", vị lãnh đạo chia sẻ.
Tận dụng chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai với sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, các doanh nghiệp lữ hành cũng tăng tốc xây dựng các sản phẩm hấp dẫn.
Mới nhất, Saigontourist công bố chùm tour 4 - 6 ngày đến khu vực Đông - Tây Bắc với hành trình bay trọn gói cùng Vietnam Airlines, giá dao động 6-9 triệu đồng tùy điểm đến. Combo nghỉ dưỡng kèm liệu trình spa cao cấp tại các khách sạn, resort của FLC cũng được đơn vị này bán với giá từ 950.000 đồng.
Thậm chí, du khách tại Hà Nội và TP.HCM còn có thể sử dụng combo công tác kết hợp nghỉ dưỡng tại khách sạn 5 sao InterContinental Hà Nội hoặc TP.HCM với hãng bay Bamboo Airways với chi phí từ 3,1 triệu đồng.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, sau khi tình hình ngăn chặn dịch Covid-19 tiến triển tốt, đã có 1.343 lượt khách lẻ đặt mua tour khởi hành từ tháng 9 đến tháng 11. Đối với khách đoàn, trong tháng 9, Lữ hành Saigontourist phục vụ 4.309 khách.
Dự kiến trong tháng 10 và 11, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục vụ trên 16.000 khách đoàn tham gia các tour tham quan, hội thảo, teambuilding.
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị của Vietravel cũng kỳ vọng lượng khách sẽ trở lại ngay trong tháng 10 và tăng cao vào giai đoạn Tết 2021.
Với định hướng là đơn vị lữ hành tiên phong trong xây dựng sản phẩm mới, đặc thù và ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp đã làm việc với lãnh đạo Tổng cục Du lịch và sở du lịch các tỉnh, TP để bàn thảo kế hoạch khôi phục thị trường sau Covid-19 lần hai.
Đồng thời, bà Vân Khanh cho biết đang làm việc với các đối tác để xây dựng những sản phẩm phù hợp tình hình mới với giá kích cầu nhưng chất lượng tốt hơn.
Trao đổi với PV, ông Võ Quang Hoàng, Phó chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF), đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa (KHATA) nhận định, đa số doanh nghiệp đang triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu, đặc biệt đề cao sự liên kết giữa các ngành.
Trong đó, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị thực hiện ưu đãi đến 50-60% mức giá niêm yết trước đây, với quan điểm "bán lỗ để giảm lỗ".
"Nếu đóng cửa, mức lỗ sẽ rất cao. Thà chúng tôi mở cửa và bán huề vốn thì còn có thể duy trì hoạt động để giữ thương hiệu trên thị trường. Bởi vậy, cá nhân tôi thấy, các đơn vị lớn dù có khách hay không thì vẫn phải mở cửa. Ưu đãi là điều nên làm để hỗ trợ toàn ngành cùng hồi phục", ông Võ Quang Hoàng chia sẻ.
Lấy dẫn chứng từ khách sạn Ariyana SmartCondotel Nha Trang nơi ông là tổng quản lý, nhiều ưu đãi về giá phòng và giá dịch vụ đang được đưa ra, kể cả các gói voucher có thời hạn sử dụng đến năm 2021 và các combo kết hợp với dịch vụ lưu trú, vận chuyển, tham quan thành phố.
Các doanh nghiệp, hiệp hội nhìn nhận lượng du khách chưa hồi phục nhiều so với kỳ vọng của chương trình kích cầu. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tuy nhiên, vị này cho rằng yếu tố quyết định sống còn là thị trường thì vẫn chưa khởi sắc. Theo số liệu từ sân bay Cam Ranh và các doanh nghiệp thành viên của KHATA, số chuyến bay đến Khánh Hòa hiện vẫn còn hạn chế, trong khi thời điểm này trong năm thường là mùa du lịch của khách quốc tế đến Việt Nam. Mặt khác, thị trường nội địa đã qua mùa cao điểm các tháng nghỉ hè.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh cũng cho rằng, thị trường du lịch trong nước mới phục hồi, còn các đường bay quốc tế được mở lại nhưng kèm theo nhiều điều kiện đảm bảo an toàn.
"Khách du lịch sẽ tăng trở lại, tuy nhiên không thể so sánh với mọi năm vì gần như chúng tôi mất hẳn thị trường outbound (khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài) và inbound (khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch)", bà Vân Khanh nêu quan điểm.
Do đó, Vietravel đặt mục tiêu trong giai đoạn cuối năm và mùa Tết 2021 sẽ phục vụ khoảng 50% lượng khách so với cùng kỳ, khi đối tượng khách hàng thường đi du lịch nước ngoài chuyển sang du lịch trong nước và lựa chọn các sản phẩm trải nghiệm, cao cấp.