Điều ít biết về rượu Hoẵng, đặc sản của dân tộc Dao Tiền ở Đà Bắc

Thứ Sáu, 17/02/2023 16:08
Rượu Hoẵng chỉ là tên gọi chứ không hề liên quan đến loài hoẵng rừng như nhiều người vẫn nghĩ.

Không chỉ sở hữu nét văn hóa truyền thống độc đáo, khu vực sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam còn là nơi sản sinh ra nhiều món ngon, đặc sản địa phương đặc sắc. Để rồi mỗi khi du khách có dịp đến lại được phen trầm trồ, trước vẻ đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa và ẩm thực vùng cao.

Đến với bản Sưng (hay còn gọi là xóm Sưng, thuộc xã Cao Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình), du khách sẽ được thưởng thức rất nhiều món ngon đặc trưng của người dân tộc Dao Tiền như thịt chua, cá nướng sông Đà, quả cọ luộc, măng rừng muối chua... Trong đó, có một thức uống đặc sản được dân bản giữ gìn và lưu truyền suốt nhiều đời nay mà du khách nhất định không nên bỏ qua - rượu Hoẵng.

Ẩm thực địa phương tại bản Sưng, Đà Bắc.
Ẩm thực địa phương tại bản Sưng, Đà Bắc.

Nghe tên rượu Hoẵng, nhiều người sẽ lầm tưởng rằng món rượu này có liên quan hoặc chiết xuất từ loài hoẵng rừng. Tuy nhiên thực tế không phải vậy.

Anh Triệu Văn Tuấn, người dân bản Sưng cho biết công thức nấu rượu Hoẵng đã có từ nhiều đời nay, được ông cha truyền lại. Rượu Hoẵng thường được sử dụng trong các dịp lễ tết, hội hè, gia đình có khách quý đến chơi hay thậm chí cả trong những bữa cơm hàng ngày của dân bản.

Rượu được nấu bằng gạo nếp nương, sau khi ngâm trong 7-8 tiếng thì đem vớt để ráo nước rồi xôi chín. Sau khi được đánh tơi, quạt nguội, cơm rượu được trộn với men làm theo công thức truyền thống rồi tiếp tục ủ 7-8 ngày, tùy thuộc vào điều kiện nhiệt độ mùa hạ hay mùa đông.

Rượu Hoẵng được
Rượu Hoẵng được cất giữ trong những chum sành, bịt kín.

Hết thời gian ủ rượu, đem ra kiểm tra, uống thử có mùi thơm, ngọt gần giống với rượu nếp cái miền xuôi. Lúc này, sản phẩm thu được chỉ là rượu sống, vẫn phải trải qua giai đoạn nấu chín.

Phương pháp chưng cất, làm chín rượu ở bản Sưng rất khác biệt. Cụ thể, anh Triệu Văn Tuấn chia sẻ: "Sau khi ủ, rượu sống sẽ được vắt lấy nước rồi cho vào chum sành, vần than đến khi nào sôi. Như vậy, chum rượu khi chưng cất sẽ không tiếp xúc trực tiếp với lửa nên không bị bay mất màu, mùi vị cũng đậm đà hơn so với rượu Hoẵng ở những nơi khác".

Thật vậy, rượu Hoẵng ở bản Sưng sau khi nấu chín có mùi thơm, màu vàng nhạt, càng về cuối càng đậm hơn. Theo anh Triệu, rượu Hoẵng muốn bảo quản tốt thì phải cho vào chum sành, không cho vào can nhựa, càng bịt kín càng tốt để giữ được mùi vị.

 
 Rượu có màu vàng nhạt, đậm dần về cuối.

Đặc biệt, rượu Hoẵng trong chum có thể cất giữ rất lâu, nhưng khi bỏ vào can, chai lọ thì chỉ có dùng được 2-3 ngày. Nếu quá, rượu sẽ mất mùi, thậm chí bị thiu, chua, không thể sử dụng.

Một điều thú vị mà không phải ai cũng biết là món rượu Hoẵng rất kị đi đường xóc nảy. Anh Triệu Phúc Thìn, một người dân tộc Dao Tiền ở bản Sưng chia sẻ: "Rượu bị rung lắc không bị thay đổi vị, không bị đắng nhưng sẽ mất mùi, không được thơm như lúc ban đầu. Chính vì thế, người dân thường di chuyển rượu nhẹ nhàng, tránh đi đường xa".

Mặc dù rượu Hoẵng rất ngon và nổi tiếng tại Đà Bắc, Hòa Bình nhưng chủ yếu vẫn dùng để phục vụ người dân địa phương và du khách có dịp đến đây để tham quan, trải nghiệm.

Ông Bàn Văn Xuân, phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cho biết, trong tương lai, cùng với kế hoạch xây dựng du lịch cộng đồng ở bản Sưng, rượu Hoẵng sẽ là một trong những đặc sản được chú trọng giới thiệu với du khách.

Theo Chí Long (Lao Động)

Tin khác