Đếm ngày chiêm ngưỡng sắc đào Bắc Sơn (Lạng Sơn)

Chủ Nhật, 14/01/2024 22:04
Từ ngày 19-20/01, Lễ hội hoa đào xã Chiến Thắng xuân Giáp Thìn năm 2024 diễn ra với những sắc đào rực rỡ, tươi thắm tại sân vận động xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Với người dân Bắc Sơn, cây đào không chỉ tạo nên cảnh quan góp phần phát triển du lịch mang vẻ đẹp đặc trưng, mà ở đây cây đào còn là giống cây trồng để người dân làm giàu.

Điểm đến hấp dẫn du khách

Bắc Sơn là mảnh đất có truyền thống cách mạng lại được thiên nhiên ban tặng sự đa dạng, phong phú về hệ động, thực vật, địa hình, đất đai, nguồn nước... nên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế từ nông, lâm, nghiệp gắn với dịch vụ, du lịch.

Riêng đối với lĩnh vực du lịch, Bắc Sơn có hệ thống 29 khu, điểm di tích lịch sử cách mạng, danh lam, thắng cảnh độc đáo, cùng các giá trị văn hoá bản địa của dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông (với di sản then, sli, lượn, múa chầu, múa sư tử…). Đặc biệt, huyện có Lễ hội Ná Nhèm (xã Trấn Yên); Lễ hội xuân Yên Lãng (thị trấn Bắc Sơn). Cùng với đó, Bắc Sơn đã xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới bước đầu tạo dấu ấn với du khách như: mô hình du lịch vườn đào xã Vũ Lễ, mô hình vườn quýt, trồng hoa xã Chiến Thắng...

Phát huy những lợi thế đó, những năm qua, huyện Bắc Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Bên cạnh các Lễ hội truyền thống văn hóa các dân tộc, huyện tổ chức Ngày hội “Quýt vàng Bắc Sơn” và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, văn hóa, du lịch huyện. Năm 2022, lần đầu tiên huyện Bắc Sơn tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch; Lễ hội Mùa vàng Bắc Sơn.

Đặc biệt, năm 2023 lần đầu tiên huyện tổ chức Lễ hội hoa đào huyện Bắc Sơn - Xuân Quý Mão năm 2023 với rất nhiều hoạt động rất đa dạng, phong phú đã thu hút hàng nghìn khách du lịch, tham quan. Nhờ đó, năm 2023 tổng lượng khách du lịch đến huyện Bắc Sơn ước đạt 180.389 lượt (trong đó khách quốc tế 582 lượt), doanh thu ước đạt trên 100 tỷ đồng.

Những cây hoa đào đã khoe sắc hồng trên khắp mảnh đất Bắc Sơn...

Hiện, huyện Bắc Sơn đang sẵn sàng cho Lễ hội hoa đào xã Chiến Thắng xuân Giáp Thìn năm 2024 diễn ra từ trong hai ngày 19 và 20 tháng 01 tới đây, tại sân vận động xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Theo lãnh đạo huyện Bắc Sơn, thông qua các hoạt động của Lễ hội hoa đào sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, du lịch của Bắc Sơn đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh, tăng cường kết nối tour, tuyến, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến với mảnh đất Bắc Sơn.

Lễ hội hoa đào xã Chiến Thắng xuân Giáp Thìn năm 2024 sẽ có rất nhiều cây đào đẹp. Bên cạnh đó, có nhiều gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và đặc sản của địa phương với chủ đề “Văn hóa Việt truyền thống và Hội nhập”.

Tại Lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động thăm, trải nghiệm vườn đào, các điểm du lịch trên địa bàn xã Chiến Thắng; Tổ chức chấm điểm và trao giải cuộc thi cây hoa đào đẹp; Tổ chức chương trình đấu giá cây hoa đào đẹp xã Chiến Thắng chào xuân Giáp Thìn 2024...

Đặc biệt du khách đến với lễ hội sẽ được đắm mình trong không gian thiên nhiên rực rỡ sắc xuân với những hàng rào cây xanh cổ, những con đường làng bình dị, thân thuộc và được khám phá, trải nghiệm những đặc sản của Bắc Sơn để hiểu hơn về ẩm thực, văn hoá của các dân tộc nơi đây.

Làm giàu từ cây đào cảnh

Theo lãnh đạo huyện Bắc Sơn, diện tích trồng hoa đào trên địa bàn huyện ngày càng được mở rộng. Riêng xã Chiến Thắng (địa điểm tổ chức Lễ hội) có diện tích trồng đào lớn nhất huyện với trên 126 ha đào cảnh, 10 ha nhất chi mai.

Được biết, từ khoảng gần 10 năm trở lại đây, nhiều hộ dân tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn đã đầu tư vào nghề trồng đào, mai cảnh. Đến đây vào những ngày cuối năm, bà con trồng đào đang tập trung chăm sóc, để có được những cây đào thế ưng ý và nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

 

Vào những ngày cuối năm, bà con trồng đào tại Bắc Sơn tập trung chăm sóc, để có được những cây đào thế ưng ý và  nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

Theo chủ vườn trồng đào, thôn Hồng Phong, xã Chiến Thắng, từ năm 2016 gia đình ông tập trung vào trồng đào thất thốn. Để có những cây đào thất thốn có giá trị cao thì công chăm sóc phải lên đến vài năm. Uốn nắn từng cành tạo thế, rồi phòng trừ sâu bệnh. Nhiều khi phải làm thủ công mất rất nhiều thời gian, nhân lực. Những ngày có sương muối  gia đình phải dậy sớm phun để tránh cho cây bị táp lá…Hiện gia đình ông có 3.000 cây đào thất thốn thốn. Giá cả có sự dao động lớn từ 2 triệu đến 20 triệu đồng. Tuỳ thuộc vào độ tuổi, thế của cây, hoa, lộc… Nhiều cây hiện đã có người đặt tiền trước. Ngoài đào thất thốn gia đình ông còn trồng hơn 2ha nhất chi mai. Về thị trường tiêu thụ, chủ yếu là khách ngoại tỉnh như Thái Nguyên, Hà Nội, các tỉnh Miền xuôi, các khu du lịch Sa Pa của Lào Cai. Từ nghề trồng đào, mai sau khi trừ chi phí trung bình mỗi năm thu về trên 300 triệu đồng.

Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Chiến Thắng đã chủ động chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng đào. Được biết từ năm 2015, cấp ủy, chính quyền xã đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa nội dung này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đến năm 2017, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã trở thành phong trào phát triển mạnh trên địa bàn xã.

Để tạo thuận lợi cho bà con chuyển đổi cơ cấu cấp uỷ, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách ưu đãi, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất thấp; thành lập HTX nông nghiệp cây đào xã Chiến Thắng... Nhờ đó, loại cây này đã góp phần đem lại giá trị kinh tế gần 20 tỷ đồng/năm, đóng góp lớn trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần giúp xã duy trì vững chắc xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Tin khác