Đề xuất 'đo chỉ số hạnh phúc của giới doanh nhân'

Thứ Sáu, 16/09/2022 21:09
Góp ý xây dựng nghị quyết mới về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đại diện doanh nghiệp đề xuất nên đưa chỉ số hạnh phúc vào định hướng phát triển doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Đề xuất đo chỉ số hạnh phúc của giới doanh nhân - Ảnh 1.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị. Ảnh: VCCI.

Ngày 15/9, VCCI chủ trì tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Mục đích của Hội nghị để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của giới doanh nhân sau 11 năm thực hiện Nghị quyết số 09, từ đó tiếp tục có những định hướng điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong bối cảnh mới.

Chủ trì Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu - là Chủ tịch các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước, đồng thời là Chủ tịch của các Hiệp hội doanh nghiệp tập trung đánh giá kết quả 7 nhóm nhiệm vụ được đề ra tại Nghị quyết 09 gồm: Nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân;

Hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; Quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân; Đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; và Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) TP.HCM đại diện cho hơn 410.000 hội viên chia sẻ, thế hệ doanh nhân trẻ - lực lượng sẽ tạo đột phá cho giới doanh nhân Việt Nam trong tương lai hiện nay chủ yếu là kế thừa gia sản từ gia đình, có tư duy và quan điểm rất mới nhưng phải không phải lúc nào cũng đúng. Vì vậy, đề nghị trong Nghị quyết xây dựng đội ngũ doanh nhân nên có chương trình giáo dục về tư tưởng và tinh thần cho thế hệ doanh nhân trẻ về tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc.

Về sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà làm chính sách, chính quyền địa phương, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, hoạt động này còn yếu, đề xuất khi Quốc hội, Chính phủ xây dựng chính sách nên tham vấn rộng rãi ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan, tránh tình trạng sau khi chính sách ban hành, áp dụng, doanh nghiệp mới biết và gặp nhiều vướng mắc. Cần phải có nhận thức chung rằng, quan hệ của doanh nghiệp và chính quyền địa phương là bạn đồng hành thay vì quan hệ xin - cho.

Ngoài ra, ông Việt Anh cho biết, hiện đa số các doanh nghiệp vẫn chọn việc "dễ" để làm là sản xuất các mặt hàng phục vụ trong nước thay vì xuất khẩu ra nước ngoài. "Cần vận động để doanh nhân coi thị trường nước ngoài cũng như thị trong trong nước, để mang những thương hiệu Quốc gia ra thế giới, tạo mặt bằng mới cho sản phẩm, giảm thiểu tình trạng sản phẩm trong nước không không bằng sản phẩm xuất khẩu", ông Việt Anh nói.

Đồng thuận với ý kiến của Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da, giầy và túi xách cho biết, làm sao ăn sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu là một nhiệm vụ quan trọng. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc rất nhanh, hứa hẹn thay đổi cơ bản về năng suất lao động. Việt Nam muốn thoát bẫy thu nhập trung bình, tăng năng suất lao động phải dựa trên Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp thay đổi năng lực cạnh tranh.

Ông Thuấn kỳ vọng, tới năm 2030, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 10.000 USD/năm. Muốn đạt được mục tiêu này, Chính phủ, Bộ ngành nên có tổng kết xem 30 năm phát triển vừa qua, 10 ngành công nghiệp nào là thế mạnh, có khả năng ăn sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu để tập trung vào ưu đãi thuế, đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao. Như vậy sẽ không bỏ phí 30 năm phát triển và hứa hẹn mang lại 500-700 tỷ USD xuất khẩu/năm.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà đề xuất, để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp năm 2030, cần có chính sách hỗ trợ, mở đường, ưu đãi cho DN trong nước. Cụ thể, có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong nước và bù lại là tăng thuế VAT (thuế nhập khẩu đầu vào) để kích thích DN sản xuất trong nước và tạo động lực để các doanh nghiệp nộp thuế khoán sẽ đi vào hoạt động chính quy, lập sổ sách kế toán.

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội cho biết, khu vực doanh nghiệp hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động từ quy hoạch đất đai, tiếp cận vốn tới đầu ra.

"Chúng tôi làm việc với các Tập đoàn nước ngoài, như Toyota, dù doanh nghiệp rất cởi mở nhưng kết luận vẫn là DN Việt Nam không thể tham gia chuỗi sản xuất của Nhật Bản ngay tại Việt Nam do các yêu cầu về chứng chỉ toàn cầu, vốn, đất đai", ông Hoàng nói.

Theo đó, ông Nguyễn Hoàng kiến nghị: Cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam; Sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ, có quy hoạch theo vùng, tránh lãng phí; có chính sách cho nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng để doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận.

Ngoài ra, cần giải pháp về vốn để hỗ trợ loại hình DN này, giao BIDV là đầu mối thu xếp vốn cho DN. Cần kết nối các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào Việt Nam, có nguyên tắc buộc nội địa hoá một phần sản phẩm, kết nối với DN Việt Nam.

Cuối cùng, ông Nguyễn Hoàng đề xuất nên đưa "chỉ số hạnh phúc" vào định hướng phát triển doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Đồng quan điểm với ý kiến góp ý của nhiều đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết 09 nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết, nhất là phần đề xuất về các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giai đoạn tiếp theo, giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW.

Theo N.Thoan (Nhà đầu tư)

Tin khác