Cần tạo thương hiệu và sức lan toả
Thời gian qua, để có bước phát triển và tạo sức hút du khách đến với Thái Bình, không thể phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong việc tăng cường công tác quản lý, đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển. Đặc biệt, nếu tính trong vòng 5 năm trở lại đây, du lịch Thái Bình đã có thêm rất nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc, được hình thành từ chính những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Giờ đây, khách du lịch đến Thái Bình không chỉ theo mùa mà là quanh năm. Không gian du lịch cũng không còn bó hẹp ở các danh thắng như: du lịch biển, du lịch tâm linh mà trải dài, rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Việc mở rộng không gian hướng về du lịch chất lượng, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao khả năng chi tiêu của du khách. Đây cũng là cách phân phối lợi ích trên diện rộng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, hưởng lợi từ du lịch.
Theo bà Trần Thị Bích Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã cho biết: 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách du lịch ước đạt 452.659 lượt (tăng 14,6% so với cùng kỳ), trong đó chủ yếu là khách du lịch nội địa, doanh thu ước đạt 312,3 tỷ đồng (tăng 17,7% so với cùng kỳ). Toàn tỉnh hiện có 378 cơ sở lưu trú với 5.572 phòng (8 khách sạn 2 sao, 2 khách sạn 1 sao). Với 7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Sản phẩm du lịch đang từng bước được hình thành theo hướng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm gắn với du lịch tâm linh, đã có một số nhà đầu tư lớn tài trợ quy hoạch, đề xuất các dự án lớn về du lịch.
Công tác quản lý nhà nước về du lịch được chú trọng, công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, kỹ năng cho người lao động đạt nhiều kết quả. Công tác xúc tiến quảng bá có chuyển biến, tích cực ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số về du lịch. Du lịch đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh; đồng thời, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch phát triển chưa đa dạng, chưa mang tính đặc trưng, sức cạnh tranh chưa cao. Việc gắn kết các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề truyền thống còn hạn chế. Công tác quy hoạch phát triển không gian, xây dựng các chương trình, đề án và thu hút đầu tư dự án về du lịch còn chậm. Một số khu đang được nghiên cứu, đầu tư nhưng còn khó khăn về quy hoạch, giao đất, cho thuê đất. Cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch chưa phát triển; hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch chưa mang tính chuyên nghiệp, chưa có chiến lược xúc tiến một cách bài bản.
Theo ông Nguyễn Minh Phương – Phó giám đốc Vietravel: Tuy chưa quá nổi bật trong danh sách những điểm đến tại Việt Nam, nhưng với nét đẹp hoang sơ và quyến rũ của Thái Bình đã dần được mọi người, đặc biệt là giới trẻ đến khám phá và trải nghiệm. Với nguồn tài nguyên quý giá là các di tích lịch sử, cổ vật lâu đời cho đến thiên nhiên là những bãi biển còn giữ nguyên nét hoang sơ, Thái Bình hội đủ điều kiện để trở thành điểm lan toả kết nối phát triển du lịch cả trong khu vực và quốc tế.
Cần chuyên nghiệp bài bản
Phát triển du lịch ở Thái Bình là một câu chuyện dài. Suốt thời gian dài, cả cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cũng như du khách đều cho rằng du lịch Thái Bình phần lớn vẫn ở dạng tiềm năng.
Theo bà Trần Thị Bích Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh rất quan tâm phát triển du lịch. Từ đó, một số địa phương trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh đã chú trọng xây dựng, phát triển kinh tế du lịch của địa phương. Cơ bản thống nhất với 8 nhiệm vụ phát triển du lịch tỉnh trong 6 tháng cuối năm.
Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, bà Hằng đã yêu cầu các cấp sở, ngành tập trung tham mưu các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịch hiện nay. Đồng thời, các sở, ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ tập trung triển khai những nghị quyết, kế hoạch, đề án của trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch. Đặc biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp các ngành chức năng, các đơn vị có liên quan tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch nổi bật, đang nhận được quan tâm của du khách. Trong đó, mỗi địa phương cần xác định phát huy tiềm năng du lịch là nhiệm vụ cần quan tâm thực hiện.
Theo ông Phạm Việt Anh - Đại diện trang du lịch Bay cho biết: Để du lịch Thái Bình phát triển đúng tiềm năng, bắt nhịp đúng nhu cầu của khách hàng, đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp, cần đầu tư đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực xúc tiến du lịch. Đội ngũ này phải giỏi ngoại ngữ, tinh thông nghiệp vụ, nhạy bén trong việc khai thác, phân tích thị trường du lịch. Do vậy, Thái Bình cần thành lập một cơ quan hay một nhóm hành động để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Du lịch gắn liền với văn hoá, do vậy cần có góc văn hoá trên từng góc phố dành cho các tiền nhân văn hoá, những người yêu nước, người có công với quá trình phát triển của tỉnh nhà. Xem văn hoá, lịch sử và tâm linh, sinh thái là trải nghiệm cho du khách xuyên suốt trong thời gian lưu trú tại Thái Bình để kéo dài ngày lưu trú và nâng cao chi tiêu của du khách là hai mục tiêu quan trọng để phát triển du lịch Thái Bình.
Theo ông Việt Anh, nếu chọn hướng phát triển du lịch là đúng nhưng không nên vội vã chạy theo tốc độ tăng trưởng hoặc thiên về số lượng mà cần coi trọng chất lượng tăng trưởng. Vừa qua, Thái Bình đã tổ chức Tuần du lịch biển và khinh khí cầu Thái Bình năm 2023, Đây cũng là một điểm mới của du lịch Thái Bình. Sự kiện này cũng đã tạo điểm nhấn, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, vì lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn nên một số hoạt động diễn ra chất lượng chưa cao, chưa thu hút được nhiều người tham quan, trải nghiệm. Việc khảo sát, chuẩn bị địa điểm bay trải nghiệm khinh khí cầu của đơn vị cung cấp dịch vụ bay chưa đầy đủ.
Có thể thấy, để ngành du lịch Thái Bình thật sự có bước chuyển mình. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm như tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, sáng tạo sản phẩm, đào tạo nhân lực. Là một hoạt động kinh tế gắn liền với văn hoá, một cá nhân hay một cộng đồng làm du lịch cần thể hiện sự thân thiện, mến khách theo phương châm “mỗi người dân phải là một đại sứ về du lịch”. Tiềm năng du lịch Thái Bình là giàu có, phong phú, địa lý thuận lợi, sản phẩm rất cụ thể. Vấn đề còn lại là sự thống nhất đoàn kết, quyết tâm của lãnh đạo các cấp, của cộng đồng. Làm được như vậy, Thái Bình sẽ có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.