Trao đổi với DĐDN, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) nhấn mạnh, trong thời gian tới, Du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết điểm đến để xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, khác biệt và hấp dẫn.
- Trong khi nhiều ngành vẫn phục hồi chậm, thì du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh. Ông có đánh giá như thế nào về động lực tăng trưởng của ngành du lịch?
Có thể nói, sau đại dịch COVID-19, trong khi rất nhiều ngành nghề vẫn đang phục hồi một cách chậm chạp thì với du lịch Việt Nam, chúng ta đã có những bước tiến dài hơn và đóng vai trò “đầu tàu” kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành kinh tế khác, ví dụ như hàng không, thương mại, tài chính – ngân hàng, giao thông vận tải…
Trên thực tế, thị trường du lịch nội địa đang trở thành nhân tố chủ lực trong sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam. Cũng phải nhìn nhận rằng, sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch nội địa có được là nhờ chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch kể từ ngày 15/3/2022. Cùng với đó là sự chủ động vào cuộc và hưởng ứng tích cực từ các công ty du lịch - lữ hành, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch ở các địa phương; cùng sự triển khai mạnh mẽ các chương trình liên kết, hợp tác, thúc đẩy du lịch.
Mặc dù du lịch quốc tế chưa đạt được tăng trưởng như kỳ vọng nhưng cũng đang phục hồi tích cực. Do đó, trong thời gian tới, bức tranh du lịch Việt Nam sẽ “sáng sủa” hơn.
- Thời gian qua, ngành Du lịch đã chủ động liên kết vùng miền, địa phương trong cả nước. Theo ông, cần có giải pháp gì để thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động này?
Trong những năm gần đây, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng miền được chú trọng. Đây là chủ trương lớn mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra như một giải pháp căn cơ để phát triển du lịch. Nhiều hội thảo, văn bản ký kết hợp tác giữa các tỉnh, thành phố đã được triển khai.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các chi hội du lịch địa phương cần phát huy vai trò kết nối, liên kết phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực... |
Trong số các giải pháp căn cơ để phát triển du lịch thì liên kết, hợp tác, xúc tiến, quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch giữa các địa phương, doanh nghiệp là giải pháp mang lại hiệu quả cao và trực tiếp.
Rõ ràng, vai trò liên kết, điều phối các hoạt động du lịch chung của vùng, các địa phương chính là cầu nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch, nhất là các doanh nghiệp lữ hành trong việc xây dựng chương trình du lịch, các tour cho khách du lịch phù hợp với xu hướng mới.
Mặt khác, ngành du lịch các địa phương, trong đó có các doanh nghiệp, cần thường xuyên đưa ra chương trình hợp tác cụ thể để các bên đều được hưởng lợi, tránh xảy ra chuyện mạnh ai nấy làm. Cụ thể là sau những hội nghị liên kết, sau những bản ký kết ghi nhớ, các địa phương phải bắt tay xây dựng các sản phẩm dịch vụ và giải quyết ngay các kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tổ chức cho khách du lịch tới các điểm đến ở các địa phương.
Chúng ta thấy rằng, mặc dù chính sách mở cửa vô cùng thông thoáng nhưng ở các địa phương, vẫn tồn tại nhiều rào cản, khiến các doanh nghiệp chưa đẩy mạnh đưa khách tới. Do đó, trong thời gian tới, Du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh phối hợp, liên kết với các bộ, ngành liên quan, thúc đẩy liên kết vùng, địa phương để tạo thuận lợi, thông thoáng về thủ tục và xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện thúc đẩy thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
- Nhìn sang các nước bạn, mặc dù có sự mở cửa sau song lại có sự bứt phá khá lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore… Theo ông, Việt Nam cần thêm giải pháp nào để ngành du lịch bắt nhịp được với các nước khác?
Việt Nam không hề thua kém về tiềm năng nội tại, thậm chí, chúng ta vượt trội về tiềm năng du lịch so với nhiều nước trong khu vực ASEAN khi có nhiều tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, lịch sử có giá trị, hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch. Để nhanh chóng bắt kịp với nước bạn, Việt Nam cần giành nguồn lực xứng đáng cho công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch, đào tạo nhân lực du lịch và cho phép thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở một số thị trường trọng điểm và tiềm năng ở nước ngoài để đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu và du lịch Việt Nam ở nước ngoài.
Một trong những hạn chế lớn của Việt Nam để bắt nhịp với các nước trong khu vực chính là sự thiếu liên kết trong phát triển du lịch. Chúng ta cần liên kết chặt chẽ các nhà cung cấp dịch vụ du lịch và liên quan để hình thành chương trình du lịch (tour) cho khách du lịch, bao gồm: lữ hành - hàng không - khách sạn - nhà hàng – cơ sở vui chơi giải trí - các điểm mua sắm để đưa ra cho du khách mức giá tour hợp lý và từ đó khiến khách hàng thỏa mãn và chi tiêu gấp nhiều lần so với giá tour ban đầu.
Ngoài ra, chúng ta cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách và thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực đơn phương và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử; đồng thời tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
- Ở góc độ doanh nghiệp du lịch thì vai trò của họ cần được thể hiện ra sao trong công cuộc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thưa ông?
Doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong công cuộc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, về phía cơ quan quản lý, chúng ta cần tạo điều kiện, tạo môi trường cho doanh nghiệp du lịch cạnh tranh và phát triển.
Về phía doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt thích ứng nhanh với thay đổi trên thị trường, nhạy bén điều chỉnh chiến lược, xây dựng sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Các doanh nghiệp nên cùng chia sẻ lợi ích, cạnh tranh nhau về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, không nên cạnh tranh thông qua việc bán phá giá, vì điều này sẽ dẫn đến chất lượng sản phẩm không đảm bảo.
- Xin cảm ơn ông!