Đến với huyện đảo Cô Tô, du khách sẽ bị hớp hồn bởi vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây, những bãi cát trải dài, trắng mịn hòa cùng màu nước biển xanh ngắt.
Hòn đảo rộng gần 50 km2 đang nổi lên như một thiên đường du lịch vùng Đông bắc.
Nhờ du lịch, huyện đảo với gần 7.000 dân này đã thu gần 500 tỉ đồng/năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm (3.500 USD), trong đó đóng góp từ dịch vụ du lịch chiếm trên 60%.
Trung tâm thị trấn giờ rất nhiều nhà cao tầng, các khách sạn lớn cỡ 2-3 sao. Huyện đảo giờ có hẳn một trung tâm thương mại khá qui mô. Quán bar, nhà hàng, quán karaoke, quán café… nhiều vô kể.
Theo ông Vũ Thanh Minh, Chủ tịch Hội du lịch Cô Tô, ở đây có nhiều bãi tắm nổi tiếng như bãi Tàu Đắm, Hồng Vàn, Vàn Chải, Bắc Vàn, Tình Yêu, có nhiều sao biển, những vách núi lạ, đẹp độc đáo.
Vào mùa du lịch, cả Cô Tô rộn ràng, náo nhiệt bởi các hoạt động du lịch. Có thể nói 3 tháng hè, người người, nhà nhà làm du lịch, và trong quá trình hoạt động, Hội du lịch Cô Tô cũng được thành lập và chính Hội này đã giúp hình thành những "làng du lịch", và nhiều loại hình du lịch ở khắp huyện đảo.
Tại "làng du lịch" thôn Hoàng Hải, xã Đồng Tiến, gia đình ông Lường Văn Thạo (53 tuổi, quê Hậu Lộc - Thanh Hóa) có kinh doanh cơ sở lưu trú. Ông cho biết làm du lịch, kinh doanh lưu trú hơn hẳn đi đánh lưới.
"Cả thôn có 24 hộ gia đình thì có đến 22 hộ gia đình xây dựng phòng nghỉ, mở nhà hàng, quán ăn để kinh doanh du lịch. Ban đầu, khách của ai người đó khai thác, không có sự liên kết hợp tác gì, nên cũng xảy ra những tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhà nọ nói xấu nhà kia. Khách đông, rác thải nhiều, và nếu mạnh ai nấy lo thì cái làng này chả mấy mà thành bãi rác. Khi anh Minh và Hội du lịch huyện xây dựng mô hình làng du lịch, chúng tôi thấy quá hay, tham gia hết" - ông Thạo tâm sự.