Trên con đường quen thuộc về Đất Mũi, dọc theo những lối đi của đường Hồ Chí Minh, những dáng đước vươn cao với những hình thù đẹp mắt như thể được bàn tay của tạo hóa ươm mầm, cắt tỉa, gọt giũa… Đó có thể là hình ảnh của những luống đước vòm tròn xanh mượt, là dáng dấp vươn thẳng đón ánh mặt trời, là những góc đước nhón chân nhô lên khỏi mặt nước như vẫy chào những người khách đang xuôi về miền Đất Mũi. Những hình ảnh đẹp mắt đó đã góp phần làm phong phú và đa dạng thêm cho sắc màu Du lịch Cà Mau.
Hít sâu vào lòng ngực luồng không khí mát ngọt của rừng, du khách sẽ nghe được mùi hương của đước, mùi mằn mặn của nước biển, mùi chát lịm của vị phù sa. Cùng với đó là thanh âm của những cơn gió rừng, của các loài sinh vật trên các bãi bồi, của sóng biển xô vỗ vào bờ.
Không biết tự bao giờ, cây đước lại có giá trị lớn lao và gần gũi với người dân Cà Mau đến vậy, nhưng có lẽ từ trong tiềm thức của cháu con về một thuở cha ông đi mở cõi, cây đước đã gắn bó với con người nơi đây. Cây đước cho ta những cánh rừng phòng hộ kiên cố, những mái nhà, những cây cầu vững chãi. Và khi những nhu cầu thiết yếu của con người được hình thành thì cây đước cho họ những hòn than đen óng ánh, những đôi đũa thon gọn linh hoạt trong các bữa ăn và các đồ trang trí thủ công mỹ nghệ đẹp mắt theo chân du khách đưa hình ảnh của Cà Mau đi xa vạn dặm.
Khi ngành công nghiệp không khói phát triển, cây đước cũng bắt đầu theo chân người dân làm du lịch. Những cây cầu làng rừng tại các khu du lịch đã đem lại cho du khách những cảm giác phấn khích, tò mò, lẫn thích thú khi trải nghiệm cảm giác đi xuyên rừng đước để tìm hiểu về sự phong phú, đa dạng của những loài sinh vật dưới tán rừng mênh mông.
Để cây đước quê hương vươn mình phát triển, hàng loạt các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu được nhân dân Cà Mau hưởng ứng như lễ ra quân trồng cây nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6) giúp cho việc phủ xanh thêm những táng rừng khắp Đất Mũi. Những cây đước được trồng sau khi lớn lên sẽ phòng, chống sạt lở, giữ đất, lấn biển, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái khu du lịch Đất Mũi. Bên cạnh đó, với việc xây dựng hệ thống bờ kè mềm, và nhiều dự án xây dựng các tuyến đê biển Đông đã bảo vệ hiệu quả rừng phòng hộ cũng có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đồng thời có ý nghĩa trong việc tham quan, ngắm cảnh, dạo biển của du khách ở Mũi Cà Mau.
Ngoài ra, người dân Đất Mũi cũng có nhận thức đúng đắn hơn về mô hình du lịch sinh thái thân thiện với môi trường; hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; tích cực hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ môi trường tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau như: xử lý rác đúng nơi quy định, khai thác rừng và các loài thủy hải sản dưới tán rừng một cách phù hợp và đúng theo hướng dẫn để không làm suy giảm đa dạng loài, bảo vệ rừng cây ngập mặn. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau nhờ đó mà có thể quản lý và bảo tồn hệ sinh thái tại vườn hiệu quả.
Rừng đước Cà Mau – “Lá phổi xanh” luôn thanh lọc những luồng không khí thanh mát, tinh khiết nhất; là chỗ dựa vững chắc cho biết bao thế hệ con người Cà Mau yêu rừng, bám biển. Rồi đây, những dòng người xuôi về Đất Mũi sẽ vô cùng thoải mái với cái ánh nắng hanh hao của vùng đất biển vì những dáng đước xanh tươi sẽ luôn luôn vẫy gọi và lúc nào cũng phủ xanh khắp Mũi Cà Mau, những cánh rừng phòng hộ sẽ luôn luôn sinh sôi nảy nở đất liền đất, rễ liền rễ lấn sâu ra biển. Người dân Cà Mau cũng sẽ yên tâm hơn về một cuộc sống thanh bình, sâu lắng gắn bó thân thương bên cạnh những chan đước quê mình.