Theo Thu Nguyen, CEO một mạng lưới chia sẻ nhà ở Việt Nam, năm 2014 có khoảng 1.500 phòng được cho khách thuê khắp cả nước. Năm 2017, con số này tăng lên đến 33.000. Hiện có đến 40.000 phòng được thống kê trên các nền tảng dịch vụ "chia sẻ nhà", theo công ty kiểm toán Grant Thornton Vietnam.
Người Việt có xu hướng mua những căn hộ riêng như một khoản đầu tư. Trong khi đó, khách du lịch nước ngoài đến đây ngày càng nhiều. "Tại các thành phố lớn, nhiều chủ chung cư giới thiệu phòng trên Airbnb vì mô hình cho thuê theo ngày đôi khi còn thu nhiều hơn hợp đồng cho thuê dài hạn", ông Kenneth Atkinson, chủ tịch điều hành Grant Thornton Vietnam, nói.
Chủ homestay có thể dễ dàng đăng tải thông tin về căn hộ lên các nền tảng online, chỉ cần đăng ký như doanh nghiệp gia đình để đón khách nước ngoài. Mọi khách qua đêm đều phải đăng ký tạm trú. Giá phòng trung bình ở Hà Nội khoảng 600.000 đồng, còn ở TP HCM là một triệu đồng.
Một nhà nghỉ cuối tuần nằm giữa vườn vải ở Lương Sơn, Hòa Bình. Ảnh: Nguyễn Tiến Thành. |
Theo AirDNA, lượng phòng lẻ cho thuê tại Việt Nam tăng từ 69% lên 74% vào năm 2019, cho thấy ngày càng nhiều người mới bắt đầu kinh doanh dịch vụ chia sẻ nhà. Mức tăng trưởng này không chỉ phổ biến ở các đô thị như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hội An mà cả các vùng nông thôn.
Airbnb, Booking, Luxstay là các kênh phân phối phòng cho thuê chủ yếu tại Việt Nam. Đại diện Airbnb cho biết, lượng căn hộ cho thuê tại Việt Nam tăng tới 141% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường này bùng nổ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, nhưng gây áp lực với các chủ nhà đang cho thuê phòng. Giá phòng và công suất cho thuê giảm tới 50% vào năm 2016, bởi nguồn cung không ngừng tăng. Thu Nguyen cho rằng nhiều chủ nhà nhảy vào thị trường cho thuê mà không có kế hoạch cho tình trạng cung vượt cầu, đua nhau phá giá.
Khoảng 45% hệ thống phòng cho thuê tại Việt Nam là căn hộ condotel trong các khu nghỉ dưỡng. Rất nhiều nhà đầu tư bán lẻ đảm bảo condotel sẽ đem lại 9-10% lợi nhuận từ tiền cho thuê - cạnh tranh với chính các khách sạn. Ảnh: Premier Residences Phu Quoc Emerald Bay. |
AirDNA dự đoán mô hình chia sẻ nhà sẽ chiếm khoảng 10 - 20% số cơ sở lưu trú của Việt Nam đến 2025, và những khách sạn 3 - 4 sao chịu tác động nhiều nhất. Thực tế, nhiều khách sạn tại Việt Nam đang bán phòng trên các nền tảng chia sẻ nhà. Theo Grant Thornton, lượng phòng khách sạn đang tăng tới 40%, với hệ thống hơn 40.000 phòng khách sạn từ 3 sao đến 5 sao. Điều này làm tăng tính cạnh tranh cho các chủ homestay hay khách sạn. Đó là chưa kể hệ thống nhà trọ và căn hộ dịch vụ cũng được cho thuê online.
Olivier Dung Do Ngoc, đồng quản lý công ty phát triển bất động sản tại Việt Nam, cho rằng khách sạn cần tạo nên sự khác biệt với homestay để cạnh tranh trong tương lai. "Không phải ai cũng có thể nghỉ ở homestay, do đó khách sạn cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng, hoặc mức độ tiện nghi để cạnh tranh với homestay", ông nói.
Nhiều tập đoàn khách sạn đã chuyển dịch từ sản phẩm truyền thống thành những trải nghiệm hợp gu khách trẻ tuổi, trong khi một số khác lại kết hợp nghỉ dưỡng với không gian làm việc chung (co-working space). Do đó, homestay cũng có áp lực phải có trải nghiệm khác biệt và đẩy giá trung bình lên.
Hiện tại, những trải nghiệm khác biệt là "vũ khí" cho các homestay và khách sạn bình dân cạnh tranh lẫn nhau trong phân khúc của mình. Ảnh: Le Tho Workshop. |
"Chúng tôi đã thấy sức ép đối với giá trung bình của homestay ở TP HCM khi nhiều nơi trống phòng và hạn chế về dịch vụ, trong khi đó những khách sạn hàng đầu điều chỉnh giá", ông chỉ ra.
Một thách thức khác cho các chủ homestay chính là thiếu luật lệ. Ông Atkinson nhận định nhiều chủ homestay địa phương thường không thực hiện quy trình đăng ký theo luật định, điều này có thể gây rắc rối cho khách.
Thêm vào đó, ông Do Ngoc đánh giá: "Tương tự như mô hình chia sẻ chuyến đi, một khi chia sẻ nhà nghỉ trở thành dịch vụ phổ biến, chúng ta sẽ phải có chế tài để quản lý". Chuyên gia này chỉ ra một số thành phố tại Mỹ hay châu Âu đặt ra những tiêu chuẩn và yêu cầu nhất định về chia sẻ nhà - dịch vụ khác với khách sạn. Từ đó, chính quyền có thể kiểm soát hoạt động và lợi nhuận từ các cơ sở kinh doanh.
Theo Skift