Khủng hoảng nhân sự
Phát biểu tại hội thảo Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam ngày 9.8, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Sau 4 tháng mở cửa, toàn ngành phục vụ 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, đón 733.400 lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu đạt 316.000 tỉ đồng, trên 90% cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước trở lại hoạt động bình thường. Dự báo quý 4-2022 sẽ tăng số khách quốc tế lưu trú so với thời điểm hiện nay.
Hiện các đơn vị trong ngành Du lịch vẫn gặp những thách thức về nhiều mặt, đặc biệt là thiếu nhân lực. Trước dịch, toàn ngành có khoảng 4 triệu lao động, trong đó có 1,5 triệu lao động trực tiếp, với 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo.
Đến nay, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch đã hoạt động bình thường với hơn 34.000 cơ sở và 70.000 buồng, nhưng số lao động trong cơ sở lưu trú du lịch mới được hơn 30.000 người, nhiều lao động chưa được đào tạo đầy đủ.
Bà Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ khách sạn Tổng cục Du lịch nêu lên thực trạng: "Cơ cấu nhân sự của ngành khách sạn cũng chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Sự mất cân đối nhân lực theo vùng, miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định",
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc kinh doanh tập đoàn Silk Path, thừa nhận hiện tại nhân viên của khách sạn chủ yếu là sinh viên thực tập, bán thời gian, thời vụ, đặc biệt là ở bộ phận buồng phòng. Hơn thế nữa, trong cuộc khủng hoảng nhân sự hậu dịch, có tình trạng các khách sạn giành giật nhân lực, nhân tài, thậm chí đi “cướp” của nhau.
Khi tuyển dụng, bà Thủy cho biết: “Tất cả ứng cử viên đến khách sạn đều yêu cầu mức lương vượt khung làm cho tôi thực sự choáng. Ví dụ như vị trí duty Manager (quản lý trực ca) đòi 15-20 triệu nhưng lại không có kinh nghiệm. Các bộ phận bảo: Không cần kinh nghiệm, kỹ năng có thể dạy được miễn biết làm là... tuyển hết”.
Theo các doanh nghiệp, nhân sự hiện tại chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu thị trường, chưa kể xử lý các công việc phát sinh. Tuy nhiên, việc tuyển dụng khá khó khăn vì nhiều nhân viên bán hàng hoặc điều hành trước đây đã ổn định với công việc mới như tư vấn bảo hiểm hay hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quyết Thắng - Trưởng khoa Quản trị du lịch, nhà hàng, khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - lại cho biết, ngay cả trường học cũng gặp khó về công tác tuyển sinh cho ngành này. Sau dịch, nhiều gia đình không còn mặn mà cho học sinh làm du lịch vì ngại rủi ro.
Giải pháp “xoa dịu” cơn khát nhân lực
Đứng trước thực trạng này, GS.Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo – Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Cần phải chủ động về định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch trong thời gian tới; thay đổi đối tượng tham gia vào chương trình nâng cao chất lượng ngành du lịch đó là những người đã tham gia, mới tham gia trong ngành du lịch; các ban, ngành liên quan cần phải dành nguồn lực để đào tạo nhân lực cho ngành du lịch… tạo cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn lực này”.
Chất lượng cơ sở lưu trú du lịch phụ thuộc nhiều vào năng lực người lao động, đặc biệt là quan điểm, tư duy, kỹ năng nghề…Ông Nguyễn Quang, Chủ tịch CLB quản lý buồng phòng cho rằng: "Chất lượng dịch vụ quyết định vấn đề khách hàng. Nếu khách hàng đông, bán giá cao để nâng cao thu nhập người lao động. Đây là vòng luẩn quẩn. Tôi mong muốn hiệp hội du lịch, hiệp hội khách sạn chú trọng chất lượng dịch vụ của khách sạn, từ đó mới nâng cao đời sống cá nhân của người lao động, thu hút sinh viên muốn học ngành này”.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) nhận định, Bộ VHTTDL nên phối hợp với bộ ngành liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ DN để thu hút lực lượng lao động và hỗ trợ đào tạo. Bộ cần chỉ đạo phát triển mạng lưới chuyên gia ở tất cả các ngành nghề trong du lịch và tổ chức chương trình đào tạo theo hướng chuyển đổi số để giải quyết việc thiếu hụt nhân lực.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, các nội dung góp ý trong khuôn khổ của diễn đàn sẽ được tổng hợp, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ các nút thắt thúc đẩy hoạt động du lịch nhanh hơn, nhất là thị trường du lịch quốc tế.