Bộ Y tế tiếp tục ‘điểm danh’ các địa phương tiêm mũi nhắc COVID-19 tỉ lệ thấp

Thứ Hai, 11/07/2022 16:34
Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 10/7, tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) ở nhóm từ 18 tuổi trở lên tại Hải Phòng, Quảng Nam, Đồng Nai, Cà Mau, Hậu Giang hiện đang thấp so với cả nước.
Bộ Y tế tiếp tục ‘điểm’ các tỉnh, thành có tỷ lệ thấp tiêm mũi nhắc COVID-19 - Ảnh 1.

Bộ Y tế tiếp tục "điểm" các tỉnh, thành phố có tỉ lệ thấp tiêm mũi nhắc COVID-19 - Ảnh: VGP/Hiền Minh

Cụ thể, cả nước đã tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) với tổng số 46.321.673 mũi tiêm (69,1%). Trong đó, các địa phương có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 1 thấp gồm: Cà Mau (46,6%), Quảng Nam (45,4%), Đồng Nai (43,9%), Hải Phòng (43,3%), Hậu Giang (35,5%).

Các địa phương có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 1 cao gồm: Bắc Giang (95,8%), Nghệ An (95%), Thanh Hóa (93,8%).

Đối với mũi tiêm nhắc lần 2 (mũi 4), cả nước đã triển khai tổng số 5.341.144 mũi tiêm (37,2%). Trong đó, địa phương có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 2 thấp gồm: Vĩnh Phúc (17,5%), Phú Yên (17,3%), Nghệ An (9,8%), Đồng Tháp (8,8%), Bắc Cạn (3,6%).

Các địa phương có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao gồm: Cà Mau (98,8%), Lạng Sơn (96,5%), Cần Thơ (90,4%).

Đối với nhóm từ 12 đến 17 tuổi, cả nước đã ghi nhận 8.658.697 trẻ tiêm đủ 2 mũi, đạt 98,8%; số trẻ tiêm nhắc là 1.092.567 trẻ (12,5%).

Các địa phương tiêm mũi nhắc thấp dưới 5% ở nhóm tuổi này gồm: Hà Nội,  Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Điện Biên, Quảng Nam, Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

Các địa phương có kết quả tiêm nhắc tốt ở nhóm từ 12 đến 17 tuổi gồm: Ninh Bình (47,9%),  Thanh Hóa (47,3%), Tây Ninh (47%).

Ban hành đầy đủ hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt một số quốc gia ở châu Âu ghi nhận số ca mắc tăng nhanh liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của biển chủng Omicron.

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát trên toàn quốc, vì vậy nhiều người dân sau khi tiêm vaccine mũi cơ bản và đã từng mắc COVID-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong phòng bệnh và từ chối tiêm vaccine mũi nhắc lại.

Tuy nhiên, hiện nay biến thể phụ BA.4 và BA.5 đang ghi nhận phổ biến trên thế giới đã xuất hiện trong cộng đồng ở nước ta. Trong khi vaccine hiện tại vẫn có tác dụng miễn dịch đối với 2 biến thể này, nhưng lại giảm khả năng miễn dịch theo thời gian sau tiêm từ 4- 6 tháng, vì vậy Bộ Y tế đề nghị các địa phương và người dân tích cực tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại để tăng cường miễn dịch trước biến thể này, nhất là đối với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ đã ban hành đầy đủ các hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng.

Với việc xuất hiện biến chủng mới, dịch bệnh bùng phát trở lại ở nhiều nước, có những nước xuất hiện hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày, tại phiên họp lần thứ 15 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra mới đây (5/7), Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh tinh thần tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; không người dân nào an toàn khi người dân khác còn mắc bệnh COVID-19; không có quốc gia nào an toàn khi các quốc gia khác còn phải chống dịch; không có địa phương nào an toàn nếu địa phương khác còn phải chống dịch.

Thủ tướng một lần nữa nhắc lại bài học kinh nghiệm khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, chưa tiếp cận được vaccine do vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế, chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội. 

Thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Theo Hiền Minh (Chinhphu.vn)

Tin khác