Địa điểm được chị Chung nhắc đến là Miếu nổi Phù Châu (chùa Miếu Nổi, Miếu Nổi Gò Vấp), nằm trên sông Vàm Thuật, phường 5, quận Gò Vấp. Chị tâm sự, bản thân không thấy thất vọng khi phải đội nắng để đi bằng được địa điểm tham quan này sau khi xem hình ảnh do bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội. Sau khi vãn cảnh miếu, chị thích thú nhất là ngồi hàng ghế đá và ngửi hương ngọc lan thoang thoảng trong gió với không khí mát rượi.
Từ Tuyên Quang vào TPHCM thăm con gái, ngồi ở hàng ghế đá, cô Đào không ngừng xuýt xoa với kiến trúc độc đáo của ngôi miếu. Cô quan sát từng con rồng, những đài sen uốn lượn trên hai hàng cột bên trong ngôi miếu. “Tôi đã đi nhiều chùa, miếu nhưng đến đây thấy thật đặc sắc, kỳ công. Chưa kể, không gian miếu nằm giữa sông, tách biệt hẳn với khu dân cư đông đúc, tạo cảm giác thanh bình. Ngồi dưới gốc cây sake đang trĩu cành, gió thổi mát rượi như muốn thiếp đi một chút”, cô chia sẻ và không quên chụp vài tấm hình kỷ niệm.
Trong cuốn Gia Định xưa và nay (xuất bản năm 1973), tác giả Huỳnh Minh (một nhà biên khảo chuyên viết sách về thể loại lịch sử và văn hóa vùng đất Nam bộ) viết: “Tỉnh Gia Định có một di tích lâu đời là ngôi Miếu Nổi, không sách sử nào ghi chép. Khoảng cách giữa sông Bến Cát, chi nhánh sông Bình Lợi nổi lên một cái cồn nhỏ hình chữ nhựt, độ chừng 100 thước vuông. Dưới chơn cồn đất này lại có đá xanh lồi chung quanh. Trên cồn có một ngôi miếu xưa, chẳng biết xây dựng từ đời nào, đồng bào địa phương gọi là Miếu Nổi. Bên trong miếu thờ Tề thiên Đại thánh và Ngũ long Công chúa, vẫn thường được dân chúng quanh vùng đến xin xăm lễ bái, cầu tài mua bán”.
Trải bao thăng trầm lịch sử, từng có giai đoạn hư hỏng nặng và bị bỏ hoang không người trông coi nhang khói, người chứng kiến và có nhiều đóng góp để có Miếu Nổi khang trang như ngày hôm nay là ông Lục Câu. Dù đã bước qua tuổi 80, nhưng ngày nào ông cũng cần mẫn có mặt để coi sóc mọi công việc ở miếu. Năm 1990 thành lập ban trị sự, ông được bầu làm trưởng ban và miệt mài công việc ấy đến tận ngày hôm nay.
Theo ông Lục Câu, từ ngày được tôn tạo cho đến nay, miếu gần như giữ được kiến trúc vẹn nguyên. Ngoài lễ chính vào rằm tháng 2 âm lịch, ngày thường, di tích này cũng thu hút khá đông du khách, người dân đến thăm, viếng. Đặc biệt, vào những ngày nước lên, khi mặt nước xăm xắp với nền miếu tạo nên khung cảnh nên thơ, hữu tình.
Khu vực thờ chính điện của Miếu Nổi
Thực tế, không phải lúc nào dòng sông Vàm Thuật cũng có dòng nước trong xanh; đôi bờ vẫn còn cảnh bán buôn, rác thải xả tràn lan, nhưng đến nơi này vẫn thấy bình an. Không gian quanh miếu rợp bóng cây xanh, thơm ngát. Tác giả Huỳnh Minh cũng đồng tình khi viết: “Xung quanh có cây cao bóng mát. Khách thừa lương mến cảnh tịch liêu trong những ngày rảnh rỗi thường đến đây du ngoạn. Vì chốn này vắng vẻ, xa thành thị, riêng biệt một khu vực trời nước bao la. Phải là nơi lý tưởng cho những ai có tâm hồn trầm lặng”. Vậy nên, theo ông mọi sự thêu dệt quanh cách thờ phụng “dù thật hay hư vẫn không làm ai chú ý nhiều bằng sự chú ý đến cảnh trí thiên nhiên khả ái ở nơi này… Ngôi miếu nổi trên cồn đất nổi trên sông gợi cho lòng người bao cảm khoái về sự hóa sanh của đất trời, thoạt còn thoạt mất, thoạt ẩn thoạt hiện”.
Kiến trúc miếu cũng là sự pha trộn hài hòa, đặc sắc văn hóa Việt - Hoa với điểm nhấn chính là hàng trăm tượng rồng được ghép từ những mảnh sành, sứ. Đôi rồng lớn chầu ngay cổng vào tạo sự uy nghi. Còn có rồng chầu trên mái ngói âm dương, rồng chầu ngọc, rồng ấp sen, rồng chầu tháp, rồng chầu cuốn thư… và bao họa tiết từ sành, sứ được ghép tỉ mỉ.
Ngoài yếu tố kiến trúc, Miếu Nổi được chú ý có lẽ cũng bởi còn mang đặc trưng tín ngưỡng miền sông nước - thờ Bà Thủy. Nơi chính điện là ban thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu với 5 tượng thờ bà Kim, bà Mộc, bà Thủy, bà Thổ và bà Hỏa, người dân thường gọi là năm Mẹ.
Tích cũ về miếu còn lắm giai thoại được truyền miệng trong dân gian. Nhưng cảnh nay còn đó là nơi để tìm về một chốn bình yên, nuôi dưỡng và bồi đắp đức tin.
Lịch sử quận Gò Vấp ghi rõ, miếu đã có từ trước năm 1800. Năm 1945, miếu được lợp ngói âm dương và dựng cột cây với diện tích nhỏ. Trước 30-4-1975, miếu là một nơi sinh hoạt chi bộ Đảng và cũng là nơi làm bàn đạp để bộ đội đặc công ở An Phú Đông qua sông đánh kho đạn, kho xăng dầu của địch. Năm 1991, miếu được cấp phép xây dựng, trùng tu. Năm 2014, miếu được công nhận di tích cấp tỉnh, thành phố. |