Áp lực trả nợ trái phiếu của BCG không đáng kể: Năm 2022 chỉ có 450 tỷ đáo hạn

Thứ Sáu, 25/11/2022 15:25
Giữa tình hình thị trường trái phiếu đang có rất nhiều biến động tiêu cực, BCG cho biết áp lực trả nợ trái phiếu của Tập đoàn này trong năm 2022 không lớn, chỉ có khoảng 450 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong quý 4, sang năm 2023, không có khoản trái phiếu nào đến hạn. Trong khi đó, Tập đoàn luôn duy trì lượng tiền và tương đương tiền từ 1.000-1.300 tỷ đồng để đảm bảo khả năng thanh toán cho trái chủ.
Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG)
Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG)

Tổng nợ trái phiếu của BCG là 7.544 tỷ đồng

Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG) là một trong những doanh nghiệp phát triển thần tốc. Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản công ty là 43.752 tỷ đồng, tăng 38.431 tỷ đồng, tương đương 722% so với hồi cuối năm 2018.

Tuy nhiên, do tận dụng đòn bẩy tài chính để phát triển các dự án năng lượng tái tạo và bất động sản quy mô lớn nên Bamboo Capital đang ghi nhận nợ tăng nhanh chóng. Hồi cuối quý 3/2022, tổng nợ phải trả của BCG đạt 30.178 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD). Nợ phải trả tại BCG tính tới hết quý 3/2022 chiếm 69% tổng nguồn vốn công ty và đạt 2,2 lần vốn chủ sở hữu (con số này vào quý 4/2020 là 7,1 lần)

Một phần không nhỏ nợ của BCG đến từ kênh trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu của BCG là 7.544 tỷ đồng.

Tình hình thị trường tài chính, thị trường bất động sản biến động khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, BCG cũng không ngoại lệ. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 3/2022 của BCG chỉ đạt 39,5 tỷ đồng, giảm 178,5 tỷ đồng, tương đương 81,9% so với cùng kỳ; luỹ kế 9 tháng đầu năm, tăng từ 701 tỷ đồng lên 885 tỷ đồng.

Lãi ròng BCG giảm mạnh dù doanh thu quý 3/2022 cải thiện, tăng 721 tỷ đồng, tương đương 158% lên 1.178 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do doanh thu hoạt động tài chính giảm đáng kể, từ 596 tỷ đồng xuống 434 tỷ đồng, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh do hợp nhất thêm 3 công ty từ đầu năm, bao gồm: Công ty Bảo hiểm AAA, Công ty BCG – Băng Dương và Công ty Hanwha BCG Băng Dương.

Tại ngày 30/9/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của BCG là âm 1.872 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 5.187 tỷ đồng. Hồi đầu năm 2022, những con số này là âm 7.009 tỷ đồng và âm 3.131 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hàng loạt các dự án năng lượng tái tạo của BCG bắt đầu vận hành với hiệu suất cao từ 70 - 100%, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong quý 3/2022 của BCG đã dương 108 tỷ đồng. BCG vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, khi các dự án hoàn thành và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận, vấn đề dòng tiền sẽ được cải thiện tích cực.

Áp lực trả nợ trái phiếu 2022 và 2023 không đáng kể        

Đóng góp một phần không nhỏ vào tổng nợ của BCG là trái phiếu. Tuy nhiên, nếu đặt vào bức tranh tổng thể của thị trường trái phiếu Việt Nam thì số lượng trái phiếu được phát hành bởi BCG và các công ty thành viên chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với các tập đoàn đa ngành khác hoặc các ngân hàng.

Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng giá trị trái phiếu phát hành của BCG là 8.793 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 2.724 tỷ đồng hồi đầu năm do BCG bắt đầu đẩy mạnh phát triển các dự án điện gió ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2021 công ty thành viên của BCG là BCG Energy đã huy động 2 lô trái phiếu tổng trị giá 2495,9 tỷ đồng (lãi suất 10%, kỳ hạn 3 năm). Đây là trái phiếu phát hành riêng lẻ do Công ty chứng khoán Bảo Minh làm đại lý tư vấn, lưu ký, phát hành.

Loại hình trái phiếu của các lô này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng dự án Khai Long 1 với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ. Ngoài tài sản đảm bảo là cổ phần của công ty Khai Long 1 thì còn có thêm những tài sản khác liên quan đến dự án.

BCG Energy – đơn vị phát hành gói trái phiếu này có tổng tài sản hơn 24 ngàn tỷ đồng, với gần 600MW điện mặt trời đang hoạt động với doanh thu hàng năm hơn 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận lũy kế hơn 500 tỷ và tổng vốn chủ sở hữu hơn 6.300 tỷ đồng.

BCG Khai Long 1, là đơn vị phụ trách trực tiếp dự án điện gió Khai Long 1 thành lập ngày 17/11/2017 với người đại diện pháp luật là ông Phạm Minh Tuấn. Do dự án Khai Long 1 vẫn đang quá trình xây dựng, chưa phát sinh doanh thu nên báo cáo tài chính của công ty liên tục ghi nhận các khoản lỗ 3,8 tỷ đồng (năm 2018), 16,3 tỷ đồng (năm 2019) và 9,9 tỷ đồng (năm 2020).Theo kế hoạch, dự án Khai Long 1 sẽ hoàn thành và đóng điện, bắt đầu ghi nhận doanh thu trong nửa cuối năm 2023, đúng điểm rơi chính sách khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt và bắt đầu có hiệu lực.

Các phân tích trên cho thấy kế hoạch phát hành trái phiếu của BCG Energy được tính toán kỹ lưỡng để vừa bắt kịp tiến độ phát triển dự án, vừa không tạo áp lực cho dòng tiền của Công ty. Các gói trái phiếu khác do BCG và các công ty thành viên phát hành cũng được công bố thông tin minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật, vốn trái phiếu huy động được sử dụng để phát triển từng dự án cụ thể. Trong Hội thảo gặp gỡ nhà đầu tư quý 3/2022 vừa rồi, lãnh đạo BCG cho biết trong năm 2022 áp lực trả nợ trái phiếu của BCG không cao và không ảnh hưởng gì đến bức tranh tài chính hiện tại của Tập đoàn này, quý 4 năm nay BCG chỉ có một khoản trái phiếu trị giá 450 tỷ đồng đáo hạn, năm 2023 không có khoản trái phiếu nào đến hạn. Trong khi đó, BCG luôn duy trì lượng tiền và tương đương tiền từ 1.000-1.300 tỷ đồng để đảm bảo khả năng thanh toán cho trái chủ.

Theo VnMedia.vn

Tin khác