Có nhiều điều khách không bao giờ được biết về nơi mình lưu trú.
Giường ngủ có thể rất bẩn
Khách sạn có thể không giặt toàn bộ ga gối sau khi đón những đợt khách khác nhau. Trong đó, ga trải giường được vệ sinh thường xuyên, còn vỏ chăn ít được thay hơn.
"Chúng tôi giặt ga giường hàng ngày, nhưng chỉ giặt chăn một lần mỗi tuần. Nếu tấm khăn trải cuối giường không có vết bẩn nào rõ rệt, nó được giặt một lần mỗi tháng", một lễ tân ẩn danh trả lời Reader’s Digest.
Mọi thứ khác trong phòng cũng không hề sạch sẽ
Điều khiển TV là một trong những đồ vật ẩn chứa nhiều vi khuẩn nhất trong phòng khách sạn, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Houston, Mỹ. Những thứ kém vệ sinh khác bao gồm công tắc đèn ngủ, bệ ngồi toilet, bồn tắm, tay nắm cửa nhà vệ sinh và thậm chí là khay đá trong tủ lạnh.
Những chiếc ly thủy tinh bóng sáng cạnh bồn rửa mặt cũng không hề sạch sẽ như vẻ ngoài. Nhân viên dọn phòng có thể chỉ rửa chúng bằng nước và lấy khăn lau khô - cùng một chiếc khăn họ đã dùng để lau gương kính hay bệ rửa. "Một số nhân viên dùng véc ni để đánh bóng ly thủy tinh", cựu nhân viên ngành khách sạn Jacob Tomsky viết trong cuốn hồi ký Heads in Beds.
Người chết
Những vụ tự tử, ám sát, tấn công chết người hay ai đó qua đời là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong một khách sạn hàng trăm phòng. Sau khi làm việc với các cơ quan chức năng, khách sạn sẽ dọn dẹp phòng ốc và tiếp tục cho khách thuê. Nếu một người nổi tiếng đột tử khi thuê phòng, khách sạn có thể xếp lại số phòng để tránh trường hợp fan kéo đến nơi thần tượng trút hơi thở cuối cùng.
Khách đặt cọc trước chưa chắc có phòng
Giống như ngành hàng không, các khách sạn có thể nhận lượt đặt vượt quá công suất phòng, để giảm thiểu lượng phòng trống vì khách hủy bất ngờ. Do đó ngay cả khi đặt phòng và trả tiền trước, bạn có thể rơi vào trường hợp khách sạn "cháy" phòng hoặc nhượng phòng cho những vị khách VIP hơn.
Đặt phòng online không rẻ hơn dù có khuyến mãi
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy phòng giá hời trên mạng, song ưu đãi nhiều tới đâu phụ thuộc vào phương thức đặt. Một số cơ sở lưu trú không mặn mà bán phòng cho khách đặt qua bên thứ 3. Vì khách đặt online thường là khách vãng lai, và bên thứ 3 sẽ hưởng một phần hoa hồng từ tiền phòng.
"Khách đặt qua những website khuyến mãi trên mạng thường nhận được những phòng chất lượng kém nhất, bởi họ không thực sự chọn phòng nghỉ dựa trên chất lượng, mà chỉ chú ý đến giá tiền", tác giả Jacob Tomsky nhận định.
Mọi căn phòng cùng hạng không giống nhau
Lễ tân có thể khẳng định mọi phòng đều như nhau, nhưng thực tế chất lượng từng phòng cụ thể lại chênh lệch. "Đây là một trong những điều lễ tân nói dối khách nhiều nhất. Luôn có phòng cùng hạng ở trong góc của tòa nhà, phòng có TV màn hình phẳng lớn hơn, phòng có phòng tắm rộng hơn...", Tomsky tiết lộ.
Nếu hỏi han lịch sự hoặc tip thêm một chút cho lễ tân, bạn có thể chọn được một phòng tốt hơn hoặc thậm chí được nâng hạng nếu còn phòng trống. Ảnh: The Asia Collective. |
Cuộc tình vụng trộm của khách không thể qua mắt lễ tân
Nhân viên khách sạn sẽ không bao giờ tin bạn tới lấy phòng trong giờ hành chính của ngày làm việc cùng "vợ". "Chúng tôi biết bạn đang lừa dối vợ mình. Đừng hiểu nhầm, chúng tôi không quan tâm. Nhưng hãy nhớ nghĩ ra một câu chuyện hợp lý để giải thích với cô ấy khi bạn thanh toán tại một nơi lưu trú 1-2 lần mỗi tuần trong thành phố mình đang sinh sống", một người ẩn danh chia sẻ trên Reddit.
Lễ tân có thể kiểm tra khách trước khi check-in
Những khách sạn cao cấp luôn muốn đảm bảo khách có trải nghiệm hài lòng nhất trong thời gian lưu trú. Do đó, nhân viên có thể điều tra trước thông tin của người họ sắp đón tiếp. Khách sạn cũng có thể phân tích dữ liệu trên mạng để nắm được sở thích và tình trạng của khách. Ví dụ, lễ tân sẽ tặng champagne cho một đôi vợ chồng đang nghỉ trăng mật, chuyển báo Wall Street Journal tới phòng thay vì tờ New York Times, gợi ý trải nghiệm golf trong resort...
Theo Cheat Sheet