Thủ tướng yêu cầu thống nhất 1 app trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân

Thứ Bảy, 11/09/2021 16:26
Sáng 11/9, phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với các địa phương: thành phố Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, cần thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu thống nhất 1 app trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu, cần phải nghiên cứu kỹ các chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và phải triển khai khẩn trương, không được lơ là chủ quan, mất cảnh giác. Phải phòng dịch ngay từ xa, từ sớm. Không để tỉnh đang từ "xanh" sang "đỏ".

Thủ tướng nhấn mạnh: "Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả, thì không mất hàng triệu đồng cho chống dịch, nhất là sự mất mát về tinh thần và tính mạng của người dân".

Thủ tướng đánh giá, công tác phòng chống dịch thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, những kết quả đó đã tiếp tục khẳng định việc kiện toàn tổ chức chỉ đạo, chỉ huy mang lại hiệu quả và các biện pháp phòng, chống dịch đề ra là đúng đắn, kịp thời.

Các nhiệm vụ giải pháp phù hợp, đúng hướng nhất là kết hợp tập trung và phân tán, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, rất trách nhiệm giữa các cơ quan, Quốc hội và Chính phủ, các Ban Đảng, tất cả vì nhân dân, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế như, ở một số xã, phường, thị trấn chưa quán triệt hết quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhất là việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở; việc giãn cách chưa thực hiện triệt để ở một số địa phương, có nơi, có lúc cực đoan; về quy định giấy phép đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa còn nhiều lúng túng, không nhất quán trong chỉ đạo, tạo ra ách tắc cục bộ, chậm được tháo gỡ; tốc độ xét nghiệm chậm hơn tốc độ lây lan.

Một số biện pháp chuẩn bị chưa được kỹ lưỡng, thay đổi nhanh, thiếu nhất quán, chưa đánh giá tác động và chưa chuẩn bị truyền thông gây bức xúc trong xã hội; chưa sử dụng triệt để và thống nhất các giải pháp công nghệ, gây bất tiện cho người dân; Công tác kiểm tra, giám sát chưa được coi trọng ở các cấp; Nóng vội trong việc nới lỏng các yêu cầu giãn cách khi chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh và chưa đạt độ bao phủ vaccine cần thiết.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp. Trong đó, tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nâng cao vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.

Tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch; đồng thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch.

Tránh 2 khuynh hướng: Lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và khi đã giãn cách trong thời gian dài; Chủ quan, nóng vội muốn mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn; khi thực hiện xã, phường, thị trấn phải thật sự là "pháo đài"; người dân phải thật sự là "chiến sỹ"; người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội; rà soát và đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP; tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp cho công tác chăm lo an sinh xã hội. Cùng với đó, triển khai tốt nhiệm vụ năm học mới, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương. Tăng cường hợp tác công tư trong phòng, chống dịch.

Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và các địa bàn khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19 (Sổ sức khỏe điện tử, Khai báo y tế, QR Code, Xét nghiệm…).

Cùng với đó, kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có, đặc biệt là dữ liệu dân cư. Thủ tướng yêu cầu thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân. Ông cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo việc trang bị ngay điện thoại bàn tại các trung tâm chỉ huy phòng chống dịch các cấp.

Thêm vào đó, tiếp tục triển khai 6 nhóm trọng tâm trong hoạt động dân vận để thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân.

Bộ Y tế hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch trong tình hình mới, tập trung vào vaccine, xét nghiệm và điều trị. Tập trung nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng, trở lại trạng thái bình thường mới vào năm 2022. Chủ trì, xây dựng hướng dẫn triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp.

Các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề đi lại của người dân, giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông… phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Trường hợp cần thiết báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp trên trực tiếp.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Tin khác

Video: Đôi dép không thể thiếu nhau